Tỉnh trẻ hàn gắn vết thương chiến tranh

27/07/2017 | 06:24 GMT+7

Bài 3: Đền ơn đáp nghĩa là nghĩa, là tình, là trách nhiệm, là đạo lý giữa thời bình

Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang luôn cố gắng xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp những căn nhà tình nghĩa, giúp gia đình chính sách an cư, những việc làm tình nghĩa ấy sẽ tiếp tục được thế hệ sau thực hiện...

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đến khảo sát tiến độ sửa chữa nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Màn, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy.

Chăm lo gia đình chính sách, người có công đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, để từ đây:

“Mẹ anh hùng nở nụ cười hạnh phúc,

Chú thương binh cười tươi với vết chân tròn…”.

Ấm lòng trong căn nhà tình nghĩa

Tháng 7 nghĩa tình, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Sang, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Mẹ Sang tâm sự: “Nhà của mẹ vừa mới được chính quyền địa phương sửa lại, nên mới được vững chãi như thế này. Mẹ biết ơn sự quan tâm của mọi người nhiều lắm”. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, chồng và con trai của mẹ đã hy sinh. Riêng bản thân Mẹ Sang cũng có nhiều đóng góp cho cách mạng như nuôi chứa bộ đội, canh gác đường cho bộ đội của ta, tránh sự phát hiện của quân thù. Hòa bình lập lại, trân trọng tri ân trước những đóng góp của gia đình mẹ, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho gia đình có công với cách mạng, đặc biệt quan tâm chăm lo về nhà ở cho mẹ. Hoạt động này không chỉ giúp mẹ có mái ấm để an cư mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Căn nhà tình nghĩa của Mẹ Sang được tỉnh vận động xã hội hóa để tu sửa.

Ngoài nguồn vận động xã hội hóa, trong năm 2017, tỉnh đã tạm ứng 16 tỉ đồng để các địa phương thực hiện việc xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Gia đình ông Trần Văn Diện, ở ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy là một trong những hộ dân được hỗ trợ xây dựng mới trong đợt này. Từng phục vụ cho cách mạng, sau khi đất nước thống nhất, ông không ngại gian khổ, cố gắng lao động, thế nhưng kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn. Và niềm vui lớn đến với gia đình ông, khi được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa. Sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực để gia đình ông vươn lên trong cuộc sống. Căn nhà đang được khẩn trương xây dựng. Ông Diện bộc bạch: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên gia đình chúng tôi mới có khả năng xây dựng lại căn nhà vững chãi, kiên cố. Căn nhà hoàn thành sẽ giúp gia đình tôi an cư lạc nghiệp, nhất là không phải lo lắng tình trạng nhà nắng dọi, mưa dột khi mùa mưa bão tới”. Từ khi căn nhà được khởi công xây dựng, mỗi ngày ông và người con trai cũng đóng góp công sức của mình vào làm nhà, nhìn từng viên gạch được xây lên cao, gia đình ông mừng biết bao.

Mẹ Sang, ông Diện chỉ là hai trong số 622 gia đình chính sách được xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn tạm ứng của tỉnh và vận động xã hội hóa. Trong đó, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), tỉnh đã tạm ứng 16 tỉ đồng, phân bổ về các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để hỗ trợ gia đình chính sách xây dựng mới và tu sửa 590 căn nhà tình nghĩa.

Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới cũng như sửa chữa là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương và là tình cảm, trách nhiệm của người dân với công lao to lớn của các gia đình có công với cách mạng, giúp họ an cư, lạc nghiệp.

Mãi mãi tri ân

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đất Hậu Giang đã tiễn đưa hàng nghìn người thân của mình tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, du kích. Năm tháng qua đi, những người anh dũng hy sinh đã nằm xuống đất mẹ, trở về với ông bà, tổ tiên. Những người may mắn trở về, phần lớn đã và đang nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nhưng cũng còn rất nhiều người vì trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu mà mang thương tật suốt đời, hay chịu sự tổn hại sức khỏe nặng nề do ảnh hưởng bom đạn, hay chất độc da cam…

Toàn tỉnh hiện quản lý trên 35.000 đối tượng chính sách. Trong đó, có 12.645 liệt sĩ, 1.792 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Những con số trên đã cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Thấu hiểu được những mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra, tỉnh nhà đã huy động mọi nguồn lực để làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau, bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của những gia đình có công với đất nước, ngày qua ngày cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh… Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để đền đáp công lao của người có công, những năm qua, địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công với cách mạng. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đều được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; tổ chức điều dưỡng tập trung và tại gia đình...”.

Thời gia qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đều thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. 100% số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Con liệt sĩ, thương binh được quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học hành. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, cung cấp thông tin liệt sĩ, giúp đỡ gia đình chính sách được toàn xã hội quan tâm. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công ngày càng được cải thiện. Ông Phan Hữu Hiệp, thương binh 1/4, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Tôi rất xúc động trước sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành cho gia đình tôi. Ngoài hưởng trợ cấp thường xuyên, vào các dịp lễ, tết, chính quyền các cấp còn đến thăm hỏi, động viên. Những hành động chăm lo thiết thực ấy, đã góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đồng thời giúp gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống”.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa có chiều sâu nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội, nhân dân trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Riêng dịp 27-7 năm nay, lãnh đạo các cấp tổ chức các đoàn đến thăm viếng, tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều tổ chức họp mặt gia đình chính sách. Các hoạt động viếng nghĩa trang, thắp nến tri ân… cũng được các sở, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện trong dịp này, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần tri ân những người anh hùng đã khuất...

Có thể khẳng định rằng, những việc làm cụ thể để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang... không chỉ thực hiện một ngày, một đợt mà đó chính là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và cả mai sau…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Những năm qua, Hậu Giang đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo cho người có công. Trên tinh thần Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang đã ban hành Đề án hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.451 căn nhà ở cho người có công với tổng kinh phí hơn 170 tỉ đồng. Đến nay tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 của đề án thông qua việc xây mới 1.200 căn nhà cho những hộ người có công với cách mạng. Giai đoạn 2, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 3.505 căn nhà cho hộ người có công với cách mạng đang hết sức bức xúc về chỗ ở. Theo Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hậu Giang được phân bổ hơn 107,5 tỉ đồng để thực hiện đề án nhà ở nêu trên”. Cũng theo ông Thanh, hiện nay các địa phương đang triển khai xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công, để giúp các gia đình có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp.

 

Tạm ứng 16 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng

Năm 2017, tỉnh tạm ứng 16 tỉ đồng để UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong đó xây mới 210 căn (mỗi căn được hỗ trợ 40 triệu đồng), sửa chữa 380 căn (mỗi căn được hỗ trợ 20 triệu đồng). Nguồn kinh phí được phân bổ như sau: huyện Phụng Hiệp 6 tỉ đồng (75 căn xây mới, 150 căn sửa chữa), huyện Vị Thủy 1,7 tỉ đồng (20 căn xây mới, 45 căn sửa chữa), huyện Châu Thành 1,6 tỉ đồng (30 căn xây mới, 20 căn sửa chữa), huyện Châu Thành A 1,6 tỉ đồng (20 căn xây mới, 40 căn sửa chữa), huyện Long Mỹ 1,6 tỉ đồng (25 căn xây mới, 30 căn sửa chữa), thị xã Ngã Bảy 1,6 tỉ đồng (20 căn xây mới, 40 căn sửa chữa), thị xã Long Mỹ 1,3 tỉ đồng (15 căn xây mới, 35 căn sửa chữa) và thành phố Vị Thanh 600 triệu đồng (xây mới 5 căn và sửa chữa 20 căn).

 

“Mâm cơm nghĩa tình” dâng lên các anh hùng liệt sĩ

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), vào sáng ngày 27-7, 9 ban, ngành huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt nấu “Mâm cơm nghĩa tình”, để dâng lên các anh hùng liệt sĩ - những người đã chiến đấu hết mình cho ngày toàn thắng của dân tộc. Hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay, mà còn nhắc nhở thế hệ mai sau về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc. Từ đó, phải biết góp phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập hiện nay!

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>