Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

13/09/2019 | 08:01 GMT+7

Nhờ kịp thời triển khai, thực hiện các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc nên đời sống vật chất, tinh thần của họ ngày càng tiến bộ. Ông Nguyễn Hoàng Triệu (ảnh), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết cụ thể:

- Từ năm 2016 đến nay, Trung ương ban hành nhiều chính sách về công tác dân tộc. Điển hình như về hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi giai đoạn 2017-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn…

Riêng tỉnh cũng ban hành một số quyết định, kế hoạch dành cho đồng bào dân tộc. Như Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách trên ra sao, thưa ông ?

- Tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Hậu Giang thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2019 là trên 45,8 tỉ đồng.

Trong đó, dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 là trên 1,2 tỉ đồng. Ban Dân tộc đã phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức 11 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở với 660 học viên tham dự; tổ chức 2 lớp tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình giảm nghèo tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và An Giang.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, tổng kinh phí được trên cấp 36,6 tỉ đồng và đã xây dựng 45 công trình thiết yếu: lộ giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa; sửa chữa trên 10 công trình giao thông nông thôn...

Chúng tôi cũng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng.

Về công tác giảm nghèo dành cho đồng bào dân tộc, ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương thì tỉnh có những biện pháp gì, thưa ông ?

- Chúng tôi đã tổ chức đối thoại với hộ nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, biết được nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng trên cơ sở giảm cho không, tăng cho vay với lãi suất ưu đãi để nâng cao ý thức trách nhiệm, khắc phục sự trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Các đơn vị, địa phương cũng quan tâm thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó để người dân có kiến thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả, có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Ông đánh giá gì về đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc vào sự phát triển chung của tỉnh ?

- Người uy tín có vai trò, vị thế rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn dân cư. Những đóng góp của họ thể hiện ở mọi mặt đời sống, như: tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Bản thân người uy tín và gia đình họ có nhiều đóng góp ngày công lao động, hiến đất, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình làm kinh tế hiệu quả, được nhiều người học tập, làm theo.

Ngoài những thuận lợi trên, việc thực hiện các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc còn gặp khó khăn gì ?

- Hệ thống chính sách dân tộc vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn; tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; các mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, chưa thật sự bền vững; vẫn còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nước sinh hoạt, chủ yếu sống bằng làm thuê, việc làm không ổn định, đời sống khó khăn; một bộ phận vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư hỗ trợ, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ hạn chế và thường xuyên thay đổi dẫn đến quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả chưa cao.

Thưa ông, để tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc ngày càng giảm, tỉnh có những biện pháp gì ?

- Chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhân rộng mô hình phát triển sản xuất hay, hiệu quả, phù hợp với từng gia đình, địa phương. Khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất.

Tiếp tục đề nghị Trung ương phân bổ vốn để triển khai thực hiện Đề án chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Xin cảm ơn ông !

Toàn tỉnh hiện có 8.130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với 33.203 người. Trong đó, dân tộc Khmer 24.589 người, dân tộc Hoa 8.309 người, dân tộc khác 305 người. Trong 8.130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì hộ nghèo chiếm 18,83%, hộ cận nghèo chiếm 5,02%.

 

NHẬT TÂN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>