Tích cực trong kháng chiến, hăng say trong thời bình

28/04/2017 | 07:18 GMT+7

Hậu Giang hiện có 63 người được công nhận có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và những đóng góp của họ góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh thời gian qua. Trong số ấy, nhiều người có công trong kháng chiến chống Mỹ được Đảng, Nhà nước biểu dương, khen thưởng.

Cây cầu được ông Dương Thiên (trái) vận động bà con xây dựng.

Hướng về cộng đồng

Đến ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, hỏi thăm ông Dương Thiên, Trưởng ban Quản trị chùa Khemmarapaphe, hầu như ai cũng biết. Bởi trong thời chiến, ông tham gia nuôi giấu cán bộ, còn trong thời bình thì góp công sức xây dựng quê hương.

Ở cái tuổi 78, nhưng khi nhắc đến thời gian làm sư cả của chùa thì hầu như ông không quên thứ gì. Ông Thiên kể, sinh ra trên mảnh đất vốn đầy khó khăn này, vì trốn quân dịch nên ông sớm thoát ly gia đình để vào chùa. Giai đoạn năm 1959-1973, ông làm sư cả chùa này. Cũng thời gian ấy, theo tiếng gọi của Đảng, ông cùng với sư sãi bí mật đào hầm trong chùa nuôi giấu cán bộ. Để đảm bảo bình yên cho người dân xung quanh chùa và tiện việc nuôi chứa cán bộ, ông đã viết một văn bản yêu cầu tỉnh trưởng không để lính bắn vào khu vực chùa trong bán kính 1km, nếu muốn khám xét chùa thì phải có lệnh của tỉnh trưởng… Do đó, mọi hoạt động nuôi giấu cán bộ bọn địch không hề phát hiện.

Lúc này, nơi đây khá trống trải nên ông làm một cột cờ cao khoảng 15m, cũng là tín hiệu đặc biệt giữa sư sãi với cách mạng. Theo đó, khi phát hiện lính đi tuần thì chùa kéo cờ lên, còn lính đi khỏi hay không có là hạ cờ xuống để cán bộ nhìn thấy mà tranh thủ về thăm nhà.

Những năm làm sư cả, ông còn vận động 15 trường hợp theo giặc bỏ ngũ trở về với cách mạng. Để có thuốc chữa trị vết thương, băng bó cho cán bộ, chiến sĩ bị thương sau những trận đánh, khoảng 10 ngày là ông đi mua/lần. Theo ông Thiên, trước đây chùa có sư Thạch Vinh Quang biết chích thuốc và băng bó vết thương, nên cán bộ nào bị thương đều vào chùa để được chữa trị…

Thời chiến là vậy, thời bình ông cũng có nhiều đóng góp giúp địa phương thay đổi. Chỉ về cây cầu bắc qua kênh Nàng Bèn, ông Thạch Chương, người dân ở đây, cho biết: “Cũng nhờ anh Thiên đứng ra vận động bà con bắc cây cầu này nên tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Nếu không có, việc giao thương sẽ khó khăn, trắc trở lắm”.

Trước năm 2006, cầu này chỉ là cầu “khỉ” nhưng cũng rất chông chênh. Thấy vậy, ông Thiên tự nhủ phải làm một việc gì đó để giúp ích cho địa phương. Nghĩ là làm, ông vận động người dân ủng hộ của cải, công sức để xây cầu. Riêng ông đã góp 5 triệu đồng vào công trình này.

Không chỉ vậy, cách đây khoảng 5 năm, tuyến đường ở ấp xuống cấp, hư hỏng, chính quyền địa phương tiến hành họp dân để bàn mở rộng, xây mới. Là sư cả của chùa nhiều năm liền và cũng có tiếng nói với người dân nên ông trực tiếp vận động bà con hiến đất, hoa màu để xây đường. Không lâu sau, tuyến đường được hoàn thành trong niềm vui khôn tả của xóm giềng.

Đó là một trong rất nhiều việc ông Thiên không ngại tuổi cao, sức yếu, của cải góp phần làm quê hương phát triển. Giúp xóm ấp đổi thay hơn đó là niềm hạnh phúc. Tôi sẽ cố gắng đảm bảo sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho quê hương”, ông Thiên cho biết.

Giúp đỡ người nghèo

Không có bề dày thành tích như ông Thiên, nhưng ông Sơn Kích, Trưởng ban Quản trị chùa Pôrâysarâychum, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng có nhiều công sức trong việc nuôi chứa cách mạng.

Tu tại chùa từ năm 1965-1975, giai đoạn này, ông cùng với một số sư sãi của chùa thường xuyên tham gia rải truyền đơn để kêu gọi, vận động những người theo Mỹ - Ngụy trở về với cách mạng, có lúc ông rải truyền đơn tận tỉnh lỵ Chương Thiện (thành phố Vị Thanh bây giờ). Ngoài ra, ông còn mua thuốc, băng, gạc… để giúp đỡ cán bộ ở địa phương không may bị thương. “Lúc này, những người đi tu uy tín lắm, địch không dám xét nên chúng tôi thực hiện những việc trên không có gì trở ngại”, ông Kích cho biết.

Song song đó, ông còn cho cán bộ mượn chùa làm địa điểm để họp, ẩn náu. Ông Kích kể: “Năm 1973, sau trận càn của địch, ông Bảy Đống, Xã đội trưởng Xà Phiên, bị thương phải chạy đến chùa ẩn náu. Địch lùng sục khắp nơi nhưng không dám vào chùa. Do đó, tôi cùng với các vị sư sãi băng bó vết thương cho ông Bảy Đống rồi cho về đơn vị”.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, tuy đã hoàn tục nhưng ông vẫn được sự tín nhiệm rất lớn của bà con, chính quyền địa phương. Từ năm 2008 đến nay, ông là Trưởng ban Quản trị chùa. Một trong những hoạt động nổi bật của ông là vận động bà con cố gắng làm ăn, vượt khó làm giàu, nhất là vào các dịp bà con đến chùa cúng bái.

Nói về những đóng góp ấy, ông Kích cho biết: “Mình từ nhân dân mà ra, đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả nên thấu hiểu nỗi cơ cực của những người túng thiếu, do đó giúp một phần cho người dân thoát qua cảnh đó là tôi vui lắm”.

Năm nay, nhiều người nuôi heo trên địa bàn tỉnh nói chung điêu đứng bởi giá cả bấp bênh, nhưng ông Ngô Vịnh thì thu về hàng chục triệu đồng từ việc nuôi 2 con heo nái. Chỉ tay về phía 2 con heo nái đẻ 22 heo con mà gia đình vừa bán, trừ chi phí lời khoảng 500.000 đồng/con, ông Vịnh nói: “Tôi nuôi heo nái hơn 3 năm nay. Những năm trước, mỗi lứa tôi lời khoảng 1 triệu đồng/heo con. Năm nay, giá cả thấp nhưng vẫn còn lời. Từ đó giúp gia đình tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Có được như thế cũng nhờ chú Sơn Kích vận động, hướng dẫn cả”.

Gia đình có 5 công ruộng, làm 2 vụ/năm mà vẫn thiếu trước hụt sau. Để cải thiện đời sống, lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông làm thuê đủ thứ nghề nhưng không thoát được nghèo. Thấy vậy, ông Sơn Kích đến vận động nuôi heo nái và khuyên giải: “Giá heo thịt rất thất thường, nhưng nuôi heo nái bán heo con dù có rớt giá cũng lời chứ không lỗ”.

Vậy là năm 2015, ông Vịnh bắt đầu nuôi thử nghiệm 1 con. Lứa đầu, trừ chi phí lời khoảng 1 triệu đồng/con. Thấy cho thu lợi nhuận khá cao, ông tăng số lượng nuôi lên 2 con từ cuối năm 2015 đến nay. Hiện nay, dù cuộc sống gia đình ông Vịnh tuy chưa giàu nhưng đã đỡ vất vả hơn trước nhiều…

Ghi nhận những đóng góp ấy, ông Kích được các cấp tạng nhiều bằng khen, giấy khen với những đóng góp tích cực cho địa phương.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>