VỊ THANH: HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Sông, kinh, hồ tiêu biểu trên địa bàn thành phố

02/07/2021 | 07:54 GMT+7

Thành phố Vị Thanh có đến 179 sông, rạch, kinh với 224km dòng chảy xuyên qua nội thành và vùng ven, tạo thành một “đô thị sông nước”, trong đó nhiều nhất là mạng lưới các kinh đào chằng chịt.

Một đoạn kinh Mương Lộ đoạn qua địa bàn thành phố Vị Thanh.

Kinh Xáng Hậu         

Kinh Xáng Hậu đào bằng máy xáng, ở về phía Đông khu thương mại, trong khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Kinh do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đào năm 1960, vừa lấy đất đắp nền khu trù mật vừa dẫn nước ngọt vào canh tác khu dân cư. Kinh có chiều dài khoảng 6.000m, rộng 20m từ kinh Mương Lộ, song song khu văn hóa Hồ Sen, đến phường III, gặp kinh Trung Đoàn qua đất xã Hỏa Lựu, phường III, phường VII.

Kinh Mương Lộ

Kinh Mương Lộ đào vào cuối thập niên 20 (thế kỷ XX), nối từ nội thành Vị Thanh (kinh Xà No) qua Vị Thủy đến ngã ba Vĩnh Tường, dài khoảng 18km. Tại phường I, là điểm đầu con kinh Xáng Hậu, đào từ năm 1959. Chính quyền Pháp cho đào con kinh Mương Lộ nhằm lấy đất đặp đoạn lộ nối toàn tuyến liên tỉnh lộ Rạch Giá - Gò Quao - Vị Thanh - Long Mỹ - Cần Thơ. Về sau gọi là Tỉnh lộ 40, nay là Quốc lộ 61.

Kinh Sóc Giữa

Kinh Sóc Giữa dài 3.400m, rộng 15-20m đào thời Pháp ngang một khu xóm (sóc) của người Khmer, thuộc địa bàn xã Vị Tân, cách kinh Xà No khoảng 3.000-4.000m.

Kinh Ngò Om

Kinh Ngò Om (Mò Om hay Mùa Ôm) là một trong các điểm đến khẩn hoang khá sớm ở Vị Thanh, nay thuộc địa bàn phường IV. Kinh dài 1.500m, rộng khoảng 6m, điểm đầu từ kinh Vườn Bông đổ ra kinh xáng Ô Môn, nối tới điểm cuối thông với kinh Sáu Hai, ra kinh Xà No.

Kinh Mười Thước

Kinh Mười Thước đào từ thời Pháp thuộc, nối từ kinh xáng Nà No, đoạn qua ấp Mỹ Tân, xã Hỏa Lựu (nay là phường VII) qua đất xã Vị Tân, gặp các rạch: Ông Dèo, Ba Doi. Kinh dài khoảng 2.000m, do có chiều rộng 10m, dân gian đặt gọi luôn là kinh Mười Thước.

Kinh Bà Béc

Kinh Bà Béc dài 1.900m, rộng 15,5m song song với kinh Mười Thước, về phía rạch Cái Tư. Kinh đào thời Pháp thuộc, từ kinh Xà No đoạn ngang phường VII qua đất xã Vị Tân, ra rạch Ba Doi.

Kinh Tắt Huyện Phương

Kinh Tắt Huyện Phương đào thời Pháp. Điểm đầu từ rạch Xà No, đối diện phía bên lộ - rạch Cái Nhúc. Điểm cuối gặp rạch Ba Doi, xã Vị Tân. Chiều dài khoảng 3.000m.

Kinh Năm Chín (59)

Kinh đào năm 1959, để lấy đất làm khu trù mật, phía Bắc kênh Xà No, đối diện chợ Vị Thanh. Kinh dài khoảng 3.000m, rộng 20-30m, nối đến rạch Ba Doi trên đất xã Vị Tân. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa huy động dân công từ các nơi về đào con kinh này, gọi là làm xâu.

Kinh Sáu Hai (62)

Kinh Sáu Hai đào vào năm 1962, để lấy đất làm con lộ từ Vị Thanh qua Giồng Riềng, sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập tỉnh Chương Thiện. Phần kinh trên đất Vị Thanh, dài khoảng 3.000m, rộng 20-35m. Con đường bên bờ kinh được trải đá, xe hơi chạy được tới Giồng Riềng.

Kinh Ba Liên

 Kinh Ba Liên đào thời Pháp thuộc, từ kinh Xà No vô sâu trong ruộng để tưới tiêu, xổ phèn. Kinh dài khoảng 2.800m, xuyên qua địa bàn phường V và giờ là kinh ranh về phía Bắc giữa thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

Kinh Đòn Dông

Kinh đào năm 1980-1981 song song với kinh Xà No, dài khoảng 2.000m để lấy nước tưới tiêu, tăng vụ sản xuất lúa Hè thu. Kinh dài 3.000m, rộng 15m; điểm đầu từ kinh Năm Chín, điểm cuối gặp kinh Mười Thước, trên địa bàn xã Vị Tân.

Kinh Ông Cả

Kinh Ông Cả còn gọi là kinh Cả Lợi, đào thời Pháp thuộc trên đất xã Hỏa Lựu nối từ rạch Cái Su ra sông Nước Đục. Kinh dài khoảng 3.000m, nhằm lấy nước tưới tiêu, xổ phèn trồng lúa, lập vườn. Sau khi đất được khẩn hoang, đoạn cuối kinh gần sông Cái Lớn có xây một cống bằng đá, gọi là Cống Đá để ngăn mặn, giữ nước ngọt cho vườn. Trong 280 mẫu đất ông Cả Lợi, có một vườn ó hàng trăm con. Mỗi con nặng 3-4kg, về sau do chiến tranh nên đàn ó bỏ đi hết.

Kinh Năm

Kinh Năm là một con kinh lớn nhất trong loạt các con kinh từ số 01 đến 05, đào nối rạch Cái Tư vô đất liền trên địa bàn xã Hỏa Lựu (nay thuộc xã Hỏa Tiến). Đây là cụm kinh nhằm giúp cho việc tưới tiêu, lưu thông trong vùng đất rộng lớn; cứ 700m, xẻ vô một kinh dài từ 2.000m đến 3.000m tính từ rạch Cái Tư qua sông Nước Đục.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>