Phối hợp chặt chẽ khi không vào công sở làm việc

07/04/2020 | 19:26 GMT+7

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: “Bố trí luân phiên ít nhất 50% số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và chỉ những trường hợp thật sự cần thiết... mới đến làm việc tại công sở...”, cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh đã phân công lực lượng cụ thể, đảm bảo hiệu quả.

Cán bộ xã Vị Thắng thực hiện tốt công tác điều hành, lãnh đạo nhiệm vụ trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Đảng ủy, UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy phân công luân phiên ít nhất 50% cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; bố trí cán bộ trực để giải quyết các thủ tục cấp thiết cho người dân như: khai sinh, khai tử tại bộ phận một cửa. Riêng Thường trực Đảng ủy, UBND xã được giao phải có mặt xử lý công việc ở cơ quan.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: “Tất cả cán bộ, công chức của xã phải thực hiện rửa tay và đeo khẩu trang trước khi đến cơ quan làm việc. Người dân khi đến trụ sở xã mà không đeo khẩu trang sẽ được chúng tôi nhắc nhở và tặng khẩu trang cho họ. Đối với những cán bộ, công chức không đến cơ quan thì chúng tôi giao trách nhiệm cho họ phải theo dõi, nắm tình hình ở lĩnh vực phụ trách. Nếu có gì bất thường thì báo ngay với Thường trực Đảng ủy, UBND xã để có hướng xử lý kịp thời”.

Những ngày không đến cơ quan làm việc, ông Lê Hồng Tân, công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường xã Vị Thắng, thường xuyên phối hợp, trao đổi với ngành chức năng huyện về diễn biến độ mặn trên sông để thông báo đến người dân lấy nguồn nước an toàn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hay xuống ấp để vận động người dân dọn đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè thu theo lịch thời vụ...

“Khi không đến cơ quan thì tôi thường đi đến các ấp để nắm tình hình thực tế trên lĩnh vực phụ trách, không để gián đoạn công việc, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung. Khi đi công tác tại ấp thì thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch”, ông Tân chia sẻ.

Đối với ông Nguyễn Văn Linh, công chức văn hóa - xã hội, thì quan tâm nắm địa bàn để vận động, nhắc nhở người dân và các cơ sở thờ tự dừng tổ chức lễ hội; đồng thời thường xuyên đi kiểm tra thực tế để tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo kịp thời việc nâng chất các tiêu chí văn hóa, xây dựng nông thôn mới. “Không đến cơ quan không có nghĩa lơ là, bê trễ công việc. Bản thân tôi vẫn đảm đương tốt công việc theo sự chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy, UBND xã”, ông Linh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết thêm: “Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của xã từ đầu năm đến nay không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch do cán bộ, công chức đều chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Chúng tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh ngay nếu có trường hợp có biểu hiện lơ là trong công việc”.

Trong khi đó, hàng ngày, Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành A bố trí 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên trực giải quyết công việc cơ quan; số còn lại thì xuống cơ sở theo dõi địa bàn các xã, thị trấn hay ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc tại nhà.

Anh Lê Hoàng Quốc Thắng, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Dù không đến cơ quan nhưng tôi sử dụng máy tính để xử lý các văn bản do lãnh đạo ban phân công thực hiện. Tất cả báo cáo, văn bản nếu không phải mật thì tôi trao đổi với lãnh đạo ban qua email và mạng xã hội. Có công việc quan trọng không xử lý được tại nhà thì tôi đến cơ quan giải quyết. Do có sự chủ động nên các công việc được tôi xử lý tốt, không gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của tập thể”.

Tại Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành A, cán bộ, công chức khi đến làm việc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước diệt khuẩn, giữ khoảng cách 2m. Nhờ lãnh đạo ban phân công công việc rõ ràng, cụ thể, cộng với cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao nên mọi hoạt động của Ban được triển khai thực hiện tốt. Trong thời gian tạm dừng việc tổ chức đại hội vì dịch, lãnh đạo ban tham mưu cho Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị chưa tổ chức đại hội phải quan tâm thực hiện thật tốt các bước chuẩn bị để đảm bảo tổ chức đại hội thành công như mong đợi.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch từ ngày 1 đến ngày 15-4, 25% cán bộ, công chức đơn vị được phân công luân phiên làm việc trực tiếp tại cơ quan, 25% ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, số còn lại thì đi cơ sở để theo dõi công tác phòng, chống dịch và nắm tình hình kết quả thực hiện các phong trào thi đua trong toàn hội.

Mỗi ngày, đơn vị có 1 phó chủ tịch được phân công trực cơ quan, các phó chủ tịch còn lại luân phiên đến địa bàn các huyện, thị, thành được phân công phụ trách để theo dõi công tác phòng, chống dịch. Đáng chú ý là việc chỉ đạo, điều hành hoạt động được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện qua email, zalo. Với cách làm chủ động, hiệu quả như vậy nên các cấp hội liên hiệp phụ nữ của tỉnh đã có nhiều đóng góp rất thiết thực cho công tác phòng, chống dịch.

Dù tập trung phòng, chống dịch nhưng các cơ quan, đơn vị nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm kiểm tra, giám sát tiến độ, hiệu quả giải quyết công việc của công chức, viên chức, từ đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh nếu có trường hợp lợi dụng nghỉ… xả hơi. Đây là điều quan trọng để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh không bị trì trệ vì dịch Covid-19.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>