Nỗi niềm nhà báo nữ...

15/06/2021 | 18:13 GMT+7

Nghề báo là nghề nhiều vinh quang nhưng cũng lắm gian nan, vất vả mà ít ai thấu hiểu hết. Đằng sau mỗi tác phẩm là cả một nỗi nhọc nhằn và sự hy sinh thầm lặng. Riêng đối với nhà báo nữ thì họ còn khó khăn, vất vả nhiều hơn để họ vừa có thể sống được với đam mê nghề nghiệp, vừa phải làm tròn vai trò người phụ nữ trong gia đình.

Nghề báo vốn là nghề mang nhiều áp lực, đôi khi còn nguy hiểm. Mỗi tác phẩm báo chí ra đời phải hội đủ các yếu tố về tính thời sự, chính xác, hấp dẫn người đọc, người xem, người nghe, vì thế nó luôn tạo một áp lực lớn đối với những người làm nghề. Ngoài vấn đề chuyên môn, người làm báo cần có một sức khỏe tốt và bản lĩnh. Việc tác nghiệp đối với một phóng viên nam đã là một khó khăn, nhưng đối với những phóng viên nữ thì khó khăn còn gấp bội. Thời gian của phóng viên không tính bằng giờ hành chính như những công việc khác, cứ có sự việc, sự kiện dù sáng sớm hay đêm khuya cũng phải có mặt. Nghề này không có ngày nghỉ, nhất là các dịp lễ, tết lại càng phải làm nhiều. Đối với nhà báo nữ còn phải chịu nhiều áp lực hơn đồng nghiệp nam vì ngoài chuyên môn, họ còn phải lo việc nhà, làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ.

Đến với nghề cách nay 11 năm, phóng viên Hồng Diễm, Phòng Văn hóa - Xã hội Báo Hậu Giang từng phụ trách nhiều mảng tuyên truyền thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong vòng một năm nay, chị phải đương đầu với thử thách mới khi được giao đảm trách tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phóng viên Hồng Diễm nhận Giải báo chí tỉnh Hậu Giang 2020.

Nhớ lại thời gian đỉnh điểm trong hơn một tháng cao điểm cả tỉnh chung tay phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020, bình quân mỗi ngày phóng viên Hồng Diễm phải viết ít nhất 1 tin và 1 bài tuyên truyền. Để hoàn thành nhiệm vụ này, chị phải vượt qua áp lực rất lớn, phải gác lại nhiệm vụ chăm sóc gia đình, dành hầu hết thời gian cho công việc.

Phóng viên Hồng Diễm chia sẻ: “Mới đầu khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, mọi thứ còn rất mơ hồ, kiến thức của bản thân về dịch cũng không nhiều nên tôi buộc phải tìm hiểu để nắm vững các kiến thức và theo dõi sát tình hình dịch trong nước, trên thế giới để tuyên truyền. Công tác tuyên truyền lúc nào cũng yêu cầu nhanh nên nhiều lúc làm cả buổi trưa, buổi tối hay ngày nghỉ, ngày lễ. Có những lúc phải vào khu cách ly để phản ánh thực tế về công tác phòng, chống dịch trong khu này, bản thân cũng có lo lắng cho sức khỏe, nhưng tinh thần trách nhiệm với công việc đã giúp tôi vượt qua nỗi lo ấy”.

Theo chị Diễm, để có một tác phẩm hay, phản ánh chân thực sự việc, chị không ngại dấn thân, không ngại khó, ngại khổ. Với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, phóng viên Hồng Diễm đã có rất nhiều bài viết tuyên truyền đa dạng, thật cụ thể đưa các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đến người dân, làm cầu nối tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm rõ thông tin tình hình dịch và cách phòng ngừa.

Trong đợt dịch thứ tư này, chị vẫn vững vàng trên trận tuyến truyền thông, mong góp một phần nhỏ vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Trong khi đó, phóng viên Yến Linh, Đài Truyền thanh thành phố Ngã Bảy, cũng nỗ lực rất nhiều để vẹn toàn việc nhà việc nước.

Phóng viên Yến Linh đang tác nghiệp.

 “So với đồng nghiệp nam thì tôi thấy khó nhất vẫn chính là thời gian chăm sóc cho gia đình và con nhỏ. Vì đối với những đề tài không đi theo luồng thời sự thì mình dễ sắp xếp thời gian thực hiện, nhưng những đề tài sản xuất và phát sóng trong ngày thì đòi hỏi phải chạy đua với thời gian. Có những khi buổi trưa cũng không được về thăm con mà phải tranh thủ viết văn bản, soạn hình và cắt phát biểu. Vì là công đoạn sản xuất đầu tiên nên mình phải luôn cố gắng hoàn thành tác phẩm sớm gửi cho chủ biên duyệt thì các công đoạn sau như dựng hình mới nhanh và chạy việc được”, phóng viên Yến Linh tâm sự.

Khó khăn là vậy nhưng với ý thức trách nhiệm nghề, chị đã cố gắng thu xếp thời gian khoa học nhất để làm tốt nhiệm vụ và làm tròn bổn phận với gia đình. “Khoảng thời gian dịch Covid-19 này, con tôi không còn đến lớp nhưng được sự ủng hộ của gia đình, sự hỗ trợ tích cực của ông bà trong việc giữ cháu giúp nên tôi có thể toàn tâm cho công việc. Dù được sự hỗ trợ từ gia đình nhưng để vẹn toàn hơn trong việc nhà, tôi cũng luôn cố gắng thu xếp khoảng thời gian buổi tối, cuối tuần để chơi và dạy con nhiều hơn”, chị Yến Linh chia sẻ thêm.

Theo phóng viên Yến Linh, công việc này thật sự có nhiều áp lực nhưng mỗi khi thành phẩm được phát sóng thì chị rất vui, mọi mệt mỏi, áp lực hay khó khăn của công việc đều không còn. Cũng có mấy khi gặp trở ngại tưởng như muốn dừng lại nhưng tôi luôn có những đồng nghiệp tốt hỗ trợ nên lại tiếp tục cống hiến.

Là một trong số ít ỏi phóng viên quay phim nữ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, chị Thúy Liễu đã có hơn 16 năm kinh nghiệm với nghề báo, trong đó có 8 năm kinh nghiệm phóng viên quay phim.

Phóng viên Thúy Liễu (bìa trái) trong chuyến tác nghiệp cùng đồng nghiệp.

Theo chị Liễu, hành trang tác nghiệp của chị lúc nào cũng cồng kềnh, nặng nề, nào là máy quay, chân máy, micro; những hôm dự hội nghị còn đỡ vất vả, khổ nhất là lúc đi công tác ngoài hiện trường lúc thì trời nắng đổ lửa, khi thì trời mưa tầm tã phải chấp nhận ướt người chứ phải bảo vệ máy quay khô ráo.

Chia sẻ về công việc bản thân, chị Thúy Liễu cho biết: “Nghề này cũng không có sự ưu tiên dành cho phái nữ. Nơi nào phóng viên nam đến được thì nơi đó cũng có mặt phóng viên nữ. So với đồng nghiệp nam thì bất lợi của mình trong công việc này là vấn đề sức khỏe và sự linh động trong quá trình tác nghiệp. Có những khi cũng phải vác máy lội ruộng, phơi nắng, dầm mưa, có hôm về nhà lúc tối muộn, có lúc đêm khuya phải đi quay. Rồi việc vác máy quay thời gian dài, nhanh chân di chuyển theo nhân vật để kịp bắt những góc quay đẹp không phải là việc nhẹ nhàng đối với nữ. Nhưng với sự đam mê và yêu nghề thì sẽ vượt qua hết”.

Cũng như bao phụ nữ khác, có những lúc công việc vất vả quá chị cũng chạnh lòng muốn chùn bước nhưng đó chỉ là phút thoáng qua trong suy nghĩ, khi công việc hoàn thành chị lại tiếp tục lao vào nhận nhiệm vụ mới.

Bước vào nghề báo, để thực sự làm tốt công việc, có nhiều cống hiến cho nghề, nhà báo nữ phải chấp nhận hy sinh cả thời gian và nhan sắc. Chỉ có đam mê với tình yêu nghề, hậu phương ủng hộ thật vững chắc từ gia đình và sự tin yêu từ độc giả là động lực để những nhà báo nữ gắn bó và trưởng thành hơn với nghề nghiệp...

QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích