“Người làm báo phải tự làm mới mình mỗi ngày…”

21/06/2018 | 07:45 GMT+7

“Điều tôi chia sẻ không phải là mới về ngoại hình, mới hình thức, mà là suy nghĩ mới, tích cực, sáng tạo, phù hợp với định hướng phát triển chung, tôn chỉ, mục đích của báo chí, nhất là hướng đến khán, thính giả, độc giả - những người gắn bó với chúng ta lâu dài, đem những điều tốt đẹp nhất, mới mẻ nhất dành cho cuộc sống này...”, ông Trần Anh Dũng (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Đài PT&TH tỉnh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, đã chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang như vậy. Ông còn bàn đến chuyện nghề, sự nỗ lực, cố gắng, niềm tin của báo chí tỉnh nhà và những vấn đề quanh Giải báo chí tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV.

Thưa ông, đa phần phóng viên đã cố làm mới mình và không ít người quan niệm phải viết những đề tài gai góc, tiêu cực để dễ làm mới mình, được nhiều người biết đến hơn, ông nghĩ sao về điều này ?

- Nhiều phóng viên hay chia ra mảng chống tiêu cực, phản ánh tích cực, gương người tốt - việc tốt. Tôi khẳng định rằng, gương người tốt - việc tốt rất khó viết. Ở mảng này, điều dễ là ai viết cũng được, viết sao cũng thành tác phẩm, nhưng để hay, thu hút lại là chuyện không dễ.

Viết tiêu cực là sự việc đã được phơi bày, chỉ có vấn đề là anh nói đúng hay nói trật thôi. Còn viết gương người tốt - việc tốt đòi hỏi tay nghề phải có một trình độ cao hơn, chứ không phải anh sa đà vào viết mảng tiêu cực là “cao tay” đâu. Giá trị của phóng viên không phải được thể hiện ở mảng bài viết chống tiêu cực, mà phóng viên làm những tác phẩm tích cực, tác phẩm người tốt - việc tốt đi vào lòng mọi người mới là giỏi. Phóng viên lâu năm, giỏi nghề mới làm được điều này, còn phóng viên mới vào nghề… khoái viết tiêu cực là chưa thể hiện được trí tuệ, tay nghề của người làm báo.

Ở giải báo chí năm nay, những tác phẩm dự thi viết những điển hình tiêu biểu, hay, đi vào lòng người, tạo được sự xúc động cho người xem, người nghe, người đọc đều được đánh giá rất cao.

Ông có nhắc đến giải báo chí, vậy năm nay chất lượng giải có điều gì làm ông ưng ý, thưa ông ?

- Giải báo chí từng năm có sự tiến bộ nhất định. Cả Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang đều có sự phát triển rất khá. Năm nay, một điều đáng mừng là nhược điểm của báo chí đã khắc phục được, đó là tính co cụm, nhiều vấn đề không đóng khung trong phạm vi của tỉnh, của địa phương nữa, đề tài phong phú, trải rộng ra cả vùng, cả nước và gắn liền với những mối quan tâm của xã hội, không chỉ ở tại tỉnh, tại địa phương mà đáp ứng được dư luận cả nước. Đặc biệt, nhiều đề tài đi sâu vào các lĩnh vực ở các địa phương, chuyên ngành hơn, một số đề tài phản ánh một cách kịp thời các nguyện vọng của người dân, của các địa phương.

Điểm mạnh của báo chí Hậu Giang là gương mặt con người thể hiện rất rõ trong tác phẩm. Nhân vật suy nghĩ như thế nào, hành động như thế nào, những điều suy nghĩ được họ nói ra, tất cả đều được thể hiện rất rõ qua từng tác phẩm báo chí. Con người Hậu Giang qua từng tác phẩm vừa hồn nhiên, vừa thẳng thắn. Cho nên về mặt nghiệp vụ sức thuyết phục cao, về mặt xã hội ý nghĩa tốt.

Vậy còn điều gì hạn chế, chưa được, thưa ông ?

- Tay nghề có nâng lên, nhưng cũng có những hạn chế nhất định, do phạm vi đề tài đề cập quá rộng lớn, cho nên kiến thức để phóng viên lý giải, phân tích các vấn đề bị hụt hẫng, điều này thời gian sẽ bù đắp, nhưng nền móng được xây dựng trên một cơ sở phát triển tốt là điều cần ghi nhận. Có một vài tác giả có vẻ chùn xuống, dừng lại, không phát triển được, do khả năng, tư duy không được mở rộng, góc độ tiếp cận từng đề tài thiếu sự linh hoạt, thể hiện năng lực, khả năng kém, chỉ làm theo thói quen.

Từ giải báo chí này, các cây viết trẻ cần làm gì để nâng dần sự tự tin, thưa ông ?

- Qua giải báo chí, nổi lên hai vấn đề cần gấp rút làm, là cho các nhà báo, biên tập viên, phóng viên tham gia vào các hoạt động của báo chí khu vực và cả nước, để quen với môi trường và nắm bắt được sự vận động chung, để nâng cao tay nghề của anh em.

Từ sự giao thoa, tham gia vào hoạt động báo chí của khu vực và cả nước, mình mới hình thành tư duy làm báo, không còn tự ti mà tự tin hơn khi giao tiếp với các cơ quan báo chí khác, có sự năng động, chủ động hơn, chứ không co lại. Để làm được chuyện này cần tăng cường giao lưu, học hỏi với các phóng viên, biên tập viên bằng nhiều hình thức, như qua những lớp tập huấn, để giúp anh em có sự tiếp cận tốt hơn.

Thưa ông, để tiến tới những giải thưởng báo chí lớn, như Giải báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng, Liên hoan truyền hình, Liên hoan phát thanh toàn quốc… Người làm báo Hậu Giang phải chuẩn bị gì cho mình ?

- Báo chí Hậu Giang ở Giải báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng… đều có giải, nhưng chưa có giải cao. Muốn được giải cao ở các cuộc thi khu vực và quốc gia phải có sự đầu tư. Tác phẩm phải nuôi dưỡng, có thời gian, có sự đầu tư một cách chỉn chu. Khi hoàn thiện tác phẩm, bản thân các tác giả ít có thời gian để gọt giũa. Về nguyên liệu thô, mình có những viên ngọc rất tốt, nhưng về mỹ thuật lại kém nên những tác phẩm đi thi chưa đạt giải cao. Còn về cách thể hiện, lĩnh vực, tay nghề đều ngang ngửa, nhưng để thành một viên ngọc lấp lánh, sáng chói lại thiếu bàn tay tạo tác của một người nghệ sĩ. Từ viên ngọc thô đến viên ngọc sáng là cả sự khổ công. Ở giải quốc gia chủ yếu là đọ về trí tuệ, chứ không chỉ tay nghề, đề tài…

Chuyên môn thì có thể gọt giũa, nhưng có ý kiến nói rằng, báo chí sẽ đối mặt với những khó khăn không dễ vượt qua, ý ông thế nào ?

- Ở đây còn là vấn đề cơ chế, quản lý báo chí của Nhà nước, phải nói là rất khó. Tương lai sắp tới của ngành truyền hình cũng sẽ èo ọt, “chết dần”. Đến năm 2020, theo kế hoạch, tất cả các đài truyền hình đều phải tự thu, tự chi, mà thu được tiền đâu có dễ. Muốn thu được thì chương trình phải hay, phải thu hút khán giả và kênh đó phải được truyền rộng rãi ra cả nước, có vậy người ta mới bỏ quảng cáo vào trong đó. Còn kênh truyền hình chỉ phát tại địa phương sẽ không thể thu hút quảng cáo được.

Ngân sách chi cho chương trình truyền hình không nhiều đâu, quá trình thanh toán cũng không dễ, nên truyền hình, cả báo in muốn “sống” được phải nhờ khán giả, độc giả, mà muốn họ nuôi mình phải đáp ứng được nhu cầu, phải biết độc giả, khán giả cần gì, thích gì, nhưng mà phải biết trước họ, phải đón đầu xu thế, xu hướng, đừng để người ta thích rồi mình mới làm, thì họ đã thích cái khác rồi. Không thể chạy sau đuôi khán giả, mà phải đi trước họ, dự đoán cho đúng.

Khó khăn đã thấy rõ, vậy ông có chia sẻ gì với những người làm báo để họ vững tin trong thời điểm này và về sau ?

- Những người làm báo hãy vững tin, nếu mình giỏi tay nghề, mình sẽ sống tốt được với nghề. Giỏi tay nghề sẽ không sợ, còn mô hình, quản lý ra sao đối với báo chí tương lai sẽ có câu trả lời, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tồn tại…

“Tin tức viết theo lối mòn, cũ kỹ sẽ không ai coi”

- “Có thể nói báo mạng đã có sự đóng góp lớn trong thể hiện tin tức và phóng sự sao cho hấp dẫn, phân tích câu phát ngôn, đi vào cá tính và phát ngôn của nhân vật trong một hội nghị chứ không phản ánh hội nghị, như trong cuộc họp đó, ông này ông kia nói gì, tác dụng câu nói đó là gì, tại sao ông nói vậy, cái đó mới gây sự chú ý cho độc giả nên đã “đẻ” ra dạng tin phát ngôn rất hay,… Còn mình không làm được, mình làm kiểu cũ, ngày mấy, tháng mấy, cơ quan nào tổ chức hội nghị, cuộc họp gì đó… rồi bàn gì đó, trình bày kế hoạch nào, đâu còn sự thu hút nữa. Nên mỗi người phải tự đổi mới, đổi mới cũng là cách để tồn tại!”, ông Trần Anh Dũng chia sẻ.

 

Nhiều tác phẩm viết về điển hình tiêu biểu đạt giải cao

Tối nay (21-6), tại Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang, Ban tổ chức Giải báo chí tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, năm 2017-2018 sẽ tổ chức tổng kết và trao giải. Có 4 giải nhất, 8 giải nhì, 8 giải ba và 16 giải khuyến khích, được trao cho cả 4 thể loại báo in, báo hình, báo nói và ảnh báo chí. Bên cạnh đó, còn trao 20 giải chuyên đề cho các tác phẩm báo chí tiêu biểu trên các lĩnh vực. Giải nhất báo in thuộc về tác phẩm “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo: Vấn đề cấp thiết” (tác giả Hoài Thanh, Báo Hậu Giang); giải nhất ảnh báo chí là tác phẩm “Khát vọng vươn lên của cậu bé viết chữ bằng chân” (tác giả Cẩm Lình, Báo Hậu Giang); giải nhất báo hình thuộc về tác phẩm “Lâm Khem - người truyền cảm hứng cho cộng đồng” (tác giả Ngọc Trân - Ngọc Luân, Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang) và giải nhất phát thanh thuộc về tác phẩm “Dự án Cái Lớn, Cái Bé - Vấn đề lớn hay bé” (tác giả Ngọc Minh, Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang).

 

Xin cảm ơn ông !

HOÀNG NGUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>