Người dân và chính quyền cùng gặp nhau qua app Hậu Giang

23/11/2020 | 18:39 GMT+7

Chỉ cần mở ứng dụng “Hậu Giang” qua app trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android hay iOS, người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh đã có thể tiếp nhận nhiều thông tin và phản ánh ngay với chính quyền những bức xúc dân sinh.

Anh Nguyễn Văn Thảo, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, theo dõi và tương tác với chức năng phản ánh hiện trường trên ứng dụng “Hậu Giang”.

Nhanh, thuận tiện

Anh Trần Văn Lâm, ngụ phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: Vào tháng 8-2020, trên đường đi làm, tôi thấy khu vực đường Châu Văn Liêm, phường I, có nhiều rác thải, đọng mùi hôi, gây mất mỹ quan đô thị. Ngay sau đó, tôi liền chụp hình và phản ánh lên ứng dụng “Hậu Giang” qua mục phản ánh hiện trường.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, UBND phường I, thành phố Vị Thanh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện vệ sinh, dọn dẹp sạch khu vực người dân phản ánh và có phản hồi lại thông tin ngay trên ứng dụng.

Giao diện ứng dụng “Hậu Giang” rất trực quan và dễ sử dụng với tiện ích “phản ánh hiện trường”.

Theo anh Lâm, trước đó, khi nghe có app “Hậu Giang”, anh đã thử tải về và cài đặt. “Mở app có mục phản ánh hiện trường, tôi còn có thể gửi kèm theo ảnh và nội dung mình muốn phản ánh đến cơ quan chức năng. Nói chung là rất nhanh và tiện lợi”, anh Lâm cho hay.

Tương tự, ngày 21-10, anh Nguyễn Văn Thảo, ngụ ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, gửi phản ánh bức xúc đến app “Hậu Giang” về việc đi lại khó khăn của một số hộ dân tại ấp 1A, xã Tân Hòa và ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn.

Ngay sau khi gửi phản ánh, 7 ngày sau, anh Thảo nhận được phản hồi của UBND huyện Châu Thành A. Dù chưa đồng thuận cao với trả lời của địa phương, nhưng anh Thảo cho biết: “Tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của UBND huyện Châu Thành A bởi sau khi tôi gửi phản ánh qua app, thì mấy ngày sau địa phương đã phản hồi ngay cho tôi với thông tin rất cụ thể và đầy đủ”.

 Theo ông Trang Ích Hoa, Chủ tịch UBND phường I, thành phố Vị Thanh, sau hơn 6 tháng triển khai, nhiều người dân trên địa bàn phường đã biết đến và tương tác trên app “Hậu Giang”.

“Từ khi ứng dụng “Hậu Giang” chính thức hoạt động, riêng địa bàn phường I, thành phố Vị Thanh chúng tôi đã tiếp nhận và xử lý 8 lượt phản ánh của người dân. Nếu trước đây, bà con muốn phản ánh việc gì thì phải lên phường, hay chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri, thì nay người dân có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi”, ông Hoa cho hay.

Cũng theo ông Hoa, ứng dụng này cũng giúp đội ngũ cán bộ phải năng động hơn, hiệu quả hơn, việc xử lý các phản ánh cũng phải thực chất vì phải có hình ảnh xử lý rõ ràng.

Gắn kết chính quyền và người dân

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm qua, các bức xúc dân sinh trên các lĩnh vực như quản lý trật tự đô thị, môi trường, y tế, giáo dục… ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Trong khi, cơ quan quản lý hành chính không thể tăng nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc.

Mặt khác, việc tiếp nhận, xử lý các phản ảnh của người dân đôi lúc chưa kịp thời, công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế; quy trình xử lý các kiến nghị còn nhiều chồng chéo giữa các cơ quan giải quyết… Do đó, việc phát triển ứng dụng như “Hậu Giang” trên điện thoại thông minh là rất cần thiết nhằm tạo một sự tương tác thân thiện, gắn kết, hiệu quả hơn giữa chính quyền với người dân

Theo ông Hồ Viết Quang Thạch, Trưởng phòng Dự án Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của nhóm xây dựng, phát triển ứng dụng “Hậu Giang”, trước đây, nhiều tỉnh, thành muốn triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát khắp tất cả các nơi, các tuyến đường, điều này đem lại nhiều hiệu quả trong bảo vệ an ninh trật tự, nhưng kinh phí đầu tư và bảo trì là khá lớn.

Tuy nhiên, với ứng dụng như app “Hậu Giang”, trong chức năng “Phản ánh hiện trường” sẽ ghi nhận đa dạng ý kiến của người dân chuyển đến cho ban quản trị ứng dụng và ngành chức năng xử lý, mỗi người dân có cài đặt ứng dụng sẽ như một camera giám sát, còn ngành chức năng sẽ kịp thời biết được nhiều thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Cũng theo ông Hồ Viết Quang Thạch, người dân chỉ cần tải app rồi gửi nội dung phản ánh thì lập tức cán bộ phụ trách lĩnh vực tại các địa phương sẽ nhận được. Điều này khác rất nhiều so với kiểu truyền thống là phải qua khâu trung gian hoặc tiếp nhận rồi chuyển đến đơn vị chuyên môn. Ngoài ra, việc phản ánh đảm bảo tính bí mật, khách quan cho người dân.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, được triển khai ở tất cả các địa phương. Đối với Hậu Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan. Qua đó, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ cơ bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử như hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản điều hành, đặc biệt là ứng dụng “Hậu Giang”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị, cũng như tiếp tục hoàn thiện ứng dụng để đảm bảo thực sự hoạt động trơn tru, đóng góp thiết thực cho công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước và tăng cường sự tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân”, ông Lã Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, từ khi chính thức hoạt động đến nay, chức năng phản ánh hiện trường trên ứng dụng “Hậu Giang” đã tiếp nhận và xử 175 phản ánh của người dân trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng đô thị, tài nguyên môi trường, y tế sức khỏe, giáo dục đào tạo… đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý và có phản hồi 149 ý kiến, kiến nghị, 24 kiến nghị đang được xử lý... 

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích