Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công

27/07/2020 | 08:55 GMT+7

Những năm qua, huyện Vị Thủy phát huy tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với nhiều hoạt động thiết thực, huyện đã chăm lo tốt cả về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tròn, 92 tuổi, ở ấp 6, xã Vị Thắng, vui khi chính quyền địa phương đến thăm hỏi sức khỏe.

Gia đình phát huy truyền thống tốt đẹp

Trong nụ cười tươi rói, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tròn, 92 tuổi, ở ấp 6, xã Vị Thắng, chia sẻ: “Hồi xưa mẹ còn khỏe, mấy dịp lễ, tết địa phương đều cử người xuống rước mẹ lên họp mặt, để gặp gỡ các gia đình có công giống như mình, được chia sẻ, ôn lại chuyện ngày xưa. Mẹ thấy vui và tự hào lắm. Năm nay, sức khỏe mẹ yếu rồi, không còn đi lại linh hoạt nữa nên không dự họp mặt trên tỉnh được. Vậy mà, hổm rày có nhiều đoàn ở tỉnh, huyện, xã đã đến thăm hỏi, động viên tặng quà cho mẹ. Mẹ cảm thấy ấm lòng khi những hy sinh của chồng, của con trai mình cho hòa bình dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước trân trọng”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tròn có chồng là liệt sĩ Bùi Văn Trung và con trai là liệt sĩ Bùi Văn Thành. Mẹ Tròn trước đây từng đi tiếp tế lương thực, nuôi chứa cán bộ cách mạng. Nắm chặt tay người con trai út của mình là ông Bùi Văn Đời, mẹ Tròn nhắc nhở: “Nếu cho mẹ lựa chọn thêm một lần nữa mẹ vẫn động viên cha, anh con đi theo cách mạng. Con phải lấy sự hy sinh làm động lực, niềm tự hào để giáo dục, động viên các con, cháu mình phát huy tinh thần cách mạng, đóng góp sức mình cho quê hương đất nước. Còn khả năng, sức khỏe thì con, cháu ráng vì quê hương mà cống hiến”. 

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Huyện ủy, UBND huyện Vị Thủy đã thành lập các đoàn đến thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn. Đại diện lãnh đạo huyện đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, chia sẻ khó khăn, bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thương binh, bệnh binh. Động viên các mẹ, các anh, các chú vượt qua nỗi đau, bệnh tật, phát huy truyền thống anh hùng, vươn lên sống vui, sống khỏe, sống có ích, là tấm gương mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo.

Đang nằm viện tại trung tâm y tế huyện mà lãnh đạo tỉnh, huyện cũng đến thăm tận nơi, ông Nguyễn Văn Việt, thương binh hạng 1/4 ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, xúc động nói: “Dù ở nhà hay khi bệnh nặng thì những ngày lễ, kỷ niệm này tôi luôn thấy mình được ấm lòng, hạnh phúc khi những hy sinh mất mác của mình đã được đền bù xứng đáng. Những lời động viên thăm hỏi, là động lực để tôi vượt qua bệnh tật, tiếp tục cống hiến vì quê hương”. Bước đi với đôi nạng ra ghế đá bệnh viện ngồi hóng mát, ông Việt bồi hồi nhớ lại: “Ông tham gia cách mạng năm 1984 khi 22 tuổi, với nhiệt huyết tuổi trẻ, ông đã vác balo cùng bạn bè trang lứa lên đường nhập ngũ mang theo bao hoài bão và khát khao cống hiến vì hòa bình dân tộc. Chiến dịch mùa khô năm 1983-1984 khốc liệt tại chiến trường Campuchia, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, còn ông cũng bị trúng mìn, làm mất đi chân trái, chân phải cũng bị liệt. Với thương tật đến 96%, lúc đó ông nghĩ mình không thể nào sống sót. Sau một tháng điều trị, sức khỏe dần ổn, biết bao buồn, vui, tình quân dân với nước bạn cũng thành một phần ký ức theo ông trở về quê nhà Hậu Giang”.

Tăng tỷ lệ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình khá trở lên

Những cống hiến, hy sinh của các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh không gì có thể bù đắp được. Tri ân trước công lao to lớn đó, những năm qua, huyện Vị Thủy đã thực hiện tốt công tác chăm lo người có công, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn. Ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngoài tổ chức đưa người có công tiêu biểu đi họp mặt tại tỉnh, huyện chỉ đạo 10/10 xã, thị trấn tổ chức họp mặt các gia đình chính sách, người có công đồng loạt vào ngày 27-7 tại địa phương. Huyện còn tổ chức thành lập đoàn viếng nghĩa trang, viếng các nhà bia và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẽ kết hợp cùng các địa phương, ngành, đoàn thể thành lập đoàn đi thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng gặp khó khăn trong việc đi lại”.

Huyện Vị Thủy có 2.250 người có công với cách mạng. Trong đó, có 232 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 20 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời. Các chế độ, chính sách đối với người có công được triển khai thực hiện đảm bảo, kịp thời và đúng quy định, góp phần ổn định đời sống cho người có công. Từ đầu năm đến nay đã chi trợ cấp thường xuyên cho 889 gia đình chính sách với số tiền hơn 10,372 tỉ đồng, hỗ trợ 629 gia đình chính sách gặp khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí 937,5 triệu đồng…

Ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Để hỗ trợ kịp thời hơn cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, ngay sau lễ 27-7, chúng tôi sẽ tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ tiến hành sửa chữa nhà cho 1 Mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng mới 1 nhà tình nghĩa cho thương binh. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ để các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn vốn vay phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, mô hình làm ăn hiệu quả… phấn đấu tăng tỷ lệ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình khá trở lên, giảm hộ gia đình chính sách nghèo”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>