Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, như Bác từng căn dặn

03/09/2019 | 14:04 GMT+7

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, 50 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển thành phố trên các lĩnh vực; trong đó Đảng bộ, chính quyền thành phố coi trọng chăm lo đời sống nhân dân với những chủ trương, cách làm hiệu quả.

 

Ngay sau khi thống nhất đất nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa”. Nổi bật là phong trào xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng gia đình người có công, hộ nghèo trên địa bàn. Theo Trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người dân thành phố gặp vô vàn khó khăn, nhất là huyện Củ Chi-nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề với hàng vạn thương binh, người có công sinh sống. Quán triệt tinh thần lo cho dân, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo huyện Củ Chi huy động mọi nguồn lực xây nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công. Nhờ đó, chỉ trong mấy năm, hàng trăm căn nhà tình nghĩa được hoàn thành, trao tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ... Phong trào ấy lan rộng ra các quận, huyện và TP Hồ Chí Minh trở thành nơi khởi phát phong trào xây nhà tình nghĩa tặng người có công.

 

Cán bộ Ban CHQS quận Gò Vấp thăm, tặng quà gia đình người có công.

Năm 1998, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát động xây nhà tình thương tặng người nghèo. Chỉ sau 3 năm, hơn 6.500 căn nhà tình thương đã hoàn thành, ưu tiên trao tặng những gia đình khó khăn về nhà ở… Đến nay, thành phố đã xây dựng hơn 17.000 căn nhà tình nghĩa và hàng vạn nhà tình thương; cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở của gia đình người có công và hộ nghèo. Nhiều căn nhà đã xây dựng từ lâu, khi bị xuống cấp mà các gia đình còn khó khăn thì thành phố tiếp tục hỗ trợ xây, sửa mới. Hơn 3 năm qua, thành phố đã sửa chữa, xây mới gần 3.100 nhà tình nghĩa.

Thấm nhuần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nâng cao đời sống nhân dân luôn là một trong những trọng tâm xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ V, nhiệm kỳ 1991-1996, nghị quyết đại hội đã đưa ra chủ trương sáng tạo và quyết liệt, đó là mở cuộc vận động xóa hộ đói, từng bước giảm hộ nghèo. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, không chỉ trong phạm vi thành phố mà ngày càng lan rộng trên cả nước. Hiện nay, chuẩn nghèo của thành phố là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm. Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến tháng 6-2019, thành phố chỉ còn 3.767 hộ nghèo, chiếm 0,19% dân số toàn thành phố. Hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững không chỉ mang tính an sinh xã hội, mà còn tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ: TP Hồ Chí Minh vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, cho nên việc thực hiện Di chúc của Người là tình cảm, trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, quan tâm chăm lo đời sống người dân, nhất là người có công, thông qua việc tặng quà, hỗ trợ kinh phí, giải quyết việc làm, tặng phương tiện mưu sinh… là bổn phận của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đây là sự cụ thể hóa việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo CHÂU GIANG - HOA PHƯƠNG/qdnd.vn

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>