Khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

12/12/2017 | 09:12 GMT+7

Chiều 11-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 19 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, chiều ngày 8-12, UBTVQH đã họp phiên thứ 18 đột xuất để xem xét về công tác nhân sự. Ngày 11-12, UBTVQH họp phiên thứ 19 để xem xét một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Một số nội dung chính trong phiên họp lần này của UBTVQH là tổng kết Kỳ họp thứ tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm của Quốc hội; xem xét Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Cùng với đó, UBTVQH cũng cho ý kiến về các nội dung: Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016; việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; việc sử dụng số vốn kết dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu Cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Đình Nam.

Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2017; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của UBTVQH và cho ý kiến về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của UBTVQH, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 tại một số nước; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm.

* Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH tiến hành nội dung làm việc đầu tiên của phiên họp với việc xem xét Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Sau khi nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Trần Văn Túy trình bày báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, cho rằng báo cáo đã đánh giá rất sát thực trạng với nhiều mẫu biểu kèm theo rất đầy đủ và chi tiết. Thông qua báo cáo thực trạng, Đoàn giám sát có những kiến nghị cụ thể tới từng cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn về việc có 7 đồng chí Chủ tịch HĐND chỉ là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; có 4 Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh không phải là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là không ổn, rất khó trong điều hành. Vai trò cơ quan dân cử ngày càng nặng nề, nên việc bố trí cán bộ như vậy là không phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, hoạt động của HĐND có nhiều đổi mới, quy trình thẩm tra các tờ trình của UBND đảm bảo thời gian nên chất lượng cao hơn, các hoạt động khác có tiến bộ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chất lượng kỳ họp của HĐND vẫn chưa đồng đều, trong khi đây là nội dung cực kỳ quan trọng. Từ đó, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần đổi mới hoạt động của HĐND, nhất là trong tổ chức chất vấn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định về cơ bản đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát; đề nghị nên phát huy việc HĐND một số tỉnh không chỉ giám sát mà còn tái giám sát khi thấy tình hình không có chuyển biến. Về việc Quảng Ngãi không tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của HĐND, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nói, thực tế có một số địa phương đề nghị không tiếp xúc cử tri, vì họ đã truyền hình trực tiếp các nội dung kỳ họp, các phản ánh, kiến nghị của cử tri đều đã được họ trả lời và in thành sách gửi về đến tận từng phường, xã. Vì vậy, việc không tổ chức tiếp xúc cử tri ở Quảng Ngãi chưa chắc đã là không tốt, mà do có thể họ đã có những hình thức thông tin tới cử tri, nhân dân nhanh hơn so với việc tiếp xúc cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời cho rằng không nên bỏ hình thức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp. Cần duy trì đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri để duy trì mối liên hệ với cử tri bầu ra đại biểu, ngoài ra có thể mở rộng thêm các hình thức tiếp xúc cử tri khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, trong khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động của HĐND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, đặc biệt là khi hoạt động chất vấn đi vào nền nếp. Thống nhất với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng việc có 7 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh chỉ là ủy viên Thường vụ mà không phải là Phó bí thư hoặc Bí thư; có tới 4 đồng chí Phó chủ tịch HĐND không tham gia Thường vụ là vấn đề rất khó khăn. Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng nêu một thực tế khác là Trưởng ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh nếu chuyên trách thì không là ủy viên Thường vụ; nếu là ủy viên Thường vụ thì lại kiêm nhiệm, không chuyên trách. Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu băn khoăn: 100% Giám đốc Công an tỉnh là ủy viên Thường vụ, Chánh án TAND cấp tỉnh cũng vậy, nếu Trưởng ban Pháp chế HĐND không là ủy viên Thường vụ thì có thể giám sát hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở địa phương hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhất trí với ý kiến của các đại biểu đã phát biểu, đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, đồng tình với Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho rằng phạm vi giám sát quá rộng, nếu phạm vi hẹp hơn thì sẽ cho kết quả sâu sắc hơn. Báo cáo cần làm rõ nội dung phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với HĐND và ngược lại.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát về hoạt động của HĐND cấp tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phản ánh được bức tranh tổng thể, những mặt đạt được và cả những tồn tại hạn chế, với nhiều biểu mẫu đầy đủ để chứng minh nhận định, đánh giá được đưa ra. Về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND các tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội chưa lan tỏa được đến các HĐND cấp tỉnh, nhất là các hoạt động chất vấn, tranh luận, tăng thời lượng truyền thanh, truyền hình.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói, việc tiếp xúc cử tri chưa quy định trước kỳ họp tiếp xúc tối thiểu bao nhiêu cuộc, nên ở một số cuộc, đại biểu HĐND cấp tỉnh cùng tiếp xúc luôn với đại biểu HĐND cấp huyện, dẫn tới lãng phí. Việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, lĩnh vực hoặc tại nơi cư trú của đại biểu thì hầu như ít hơn. Tiếp xúc cử tri ở cấp xã, phường, thị trấn chủ yếu là với cán bộ hưu trí là chủ yếu. Do vậy, cần tăng cường tiếp xúc cử tri ngành, lĩnh vực, chuyên đề và nơi cư trú. Giữa hai kỳ họp, một số tỉnh tổ chức được các hội nghị giải trình, chất vấn. Làm như vậy là tốt, nhưng chưa được nhiều. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh quan điểm, ngoài giám sát nên tăng cường giải trình, tăng cường chất vấn giữa hai kỳ họp.

Ngày 12-12, UBTVQH tiếp tục Phiên họp thứ 12 với việc cho ý kiến về bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016.

Theo CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>