Học hành sau giải phóng: Chuyện giờ mới kể !

26/04/2018 | 07:43 GMT+7

“Tôi nhớ thầy giáo dạy không có kim ba (comba) như bây giờ, vẽ vòng tròn thì đặt cái chén, cái tô lên bảng, sách vở đâu có nhiều”, một học sinh thời đó kể lại. Những năm sau giải phóng, niềm vui còn tràn ngập, nhưng chuyện học hành lắm gian nan và khó khăn...

Thầy Cử (bìa phải), một trong những nhà giáo có trình độ đại học đầu tiên về giảng dạy tại tỉnh nhà những năm sau giải phóng.

Được đi dạy, đi học là hạnh phúc

Nhấp ngụm trà nóng, ngước mắt nhìn ra phía lộ nhựa xe cộ chạy bon bon, thầy Nguyễn Mạnh Cử, 75 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cười đôn hậu nói: “Chuyện học hành bây giờ khỏe hơn ngày xưa nhiều lắm. Thậm chí đi học có xe đưa đến tận trường, không lo nghĩ gì hết, hồi trước mơ cũng không dám”. Rồi ông giáo già chia sẻ thêm: “Khi đất nước độc lập, điều kiện học tập tuy đã thuận tiện hơn nhưng sách giáo khoa thiếu thốn, bàn ghế bằng tre ghép lại, phòng học tạm bợ nhưng học sinh rất chịu học, phụ huynh quan tâm việc học của con mình. Khi biết trường hư mái lá, phụ huynh tự nguyện đan sậy để làm mái che. Thời ấy, những buổi họp phụ huynh học sinh thường rất đông và đầy đủ, rất hiếm có những buổi họp hội đồng kỷ luật học sinh, giáo viên”.

Thầy là một trong những nhà giáo có trình độ đại học về giảng dạy đầu tiên tại tỉnh nhà. Thầy Cử tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1972, thuộc diện được Bộ Giáo dục và Đào tạo chi viện cho miền Nam, khi đó thầy đã về công tác tại tỉnh Cà Mau. Năm 1981, thầy chuyển về giảng dạy tại Trường cấp 3 Vị Thanh. Sau đó, đảm nhận nhiệm vụ Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Vị Thanh, rồi Hiệu trưởng Trường THCS Vị Tân. Sau khi về hưu, thầy là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh.

Chia sẻ đam mê với nghề, thầy Cử bộc bạch: “Được đi học rồi đi dạy là một niềm hạnh phúc lớn. Thầy nhớ lắm khi lần đầu tiên nhận nhiệm vụ làm phó hiệu trưởng tại trường cấp 3 ở tỉnh Cà Mau (nay là Trường THPT Hồ Thị Kỷ), hỏi ước mơ của các trò là gì, một nữ sinh đã nói: “Ước mơ của con là học để biết chữ”, là động lực để thầy gắn bó với ngành giáo dục”.

Dù cơ sở vật chất, dụng cụ dạy và học thiếu thốn, nhưng thầy cô vẫn giảng dạy bằng tất cả tấm lòng, những học sinh năm đó đến giờ mãi ghi nhớ. Ngước nhìn hàng dừa nước đang khẽ rung trước gió, bà Mai Hồng Thắm, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bồi hồi: “Năm 1975, tôi học lớp 3, cũng 13, 14 tuổi rồi, việc học đã thuận lợi hơn nhưng điều kiện phòng lớp cũng không có gì thay đổi, phòng học chỉ là những cây cột trâm bầu chôn chân được dựng lên, bên trên lợp lá dừa nước, bàn học là những cây tre ghép lại để học trò có chỗ ngồi học, chiếc bút lá tre gắn bó lâu lắm. Lớp học có nhiều lứa tuổi, lớn có, nhỏ có, ai học cũng rất nghiêm túc. Tôi nhớ khi ấy thầy giáo dạy không có kim ba (comba) như bây giờ, vẽ vòng tròn thì đặt cái chén, cái tô lên bảng…”.

Sứ mệnh lịch sử những ngôi trường

Là một trong những trường học được thành lập trước năm 1975, Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A (khi ấy có tên là Trường Trung học Tỉnh hạt Rạch Gòi) được thành lập vào năm học 1968-1969 như một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nhân dân khu vực Cái Tắc, Rạch Gòi, Một Ngàn, Kinh Cùng, Hòa Mỹ... Trường chỉ có 2 phòng học, 2 lớp học với 4 giáo viên. Nhiều thầy cô vẫn ghi nhớ chuyện thầy Lê Hoàng Nghi, một hiệu trưởng hết lòng, hết sức vì học sinh, đấu tranh khôn khéo bằng mọi hình thức với chính quyền Sài Gòn để học sinh mình không bị bắt lính, không ra chiến trận. Theo lời bà Trần Thị Tư, cựu học sinh và cũng là Phó Hiệu trưởng của trường giai đoạn 1986-1991: “Buổi đầu năm ấy, thầy Nguyễn Kỳ Việt, Hiệu trưởng đầu tiên của trường, đã kiên quyết cùng phụ huynh học sinh xây dựng 2 phòng học lớp 6. Hai phòng học mọc lên giữa mênh mông đồng ruộng, cỏ nước bao vây, mùa nước nổi thầy trò xắn quần lên mà lội. Nơi đây, ngày đó súng đạn rền tai. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh máu lửa chết chóc, thương tích của cuộc chiến. Thế mà trường của chúng tôi mỗi năm vẫn tiếp tục phát triển, tiếng giảng bài của thầy cô vẫn vang xa giữa bom rền đạn rú”. Giai đoạn đó, thầy cô từ mọi miền đất nước đã tề tựu về đây (về theo diện chi viện cho miền Nam), từ miền Trung xa xôi, có thầy Bảo, thầy Lê Hoàng Nghi (Hiệu trưởng trường giai đoạn 1973-1975), cô Bích Châu, thầy Sách… cũng đã rời Trường Đại học Sài Gòn để về đây truyền dạy cho chúng tôi những kiến thức. Cô Tư chia sẻ thêm: “Với tôi, nơi đây chính là niềm tin, hy vọng và là cả cuộc đời, tôi đã lớn lên, trưởng thành từng ngày nhờ sự yêu thương, quan tâm”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng trường hiện nay, cho biết: “Chúng tôi thấy mừng vì từ mái trường này nhiều em học sinh đã thành đạt trở thành người có ích, cống hiến sức mình cho quê hương. Ngày xưa chiến tranh, chuyện sống chết trong gang tấc mà thầy cô vẫn bám trường, bám lớp, nay đất nước đã độc lập và đang phát triển không ngừng, đội ngũ thầy cô giáo càng cống hiến hết mình mới xứng đáng với truyền thống”.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Trường Bổ túc Văn hóa Công Nông cấp II, III Hậu Giang. Ngôi trường được xem như cái nôi đào tạo nhân tài cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy đã hết sứ mạng lịch sử vẻ vang của mình vào cuối năm học 1989-1990, nhưng mỗi khi nhắc đến mọi người đều ghi khắc trong lòng mình hình ảnh đẹp về ngôi trường nghĩa tình, yêu thương và trách nhiệm. Ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cựu học viên của trường, chia sẻ: “Ngày xưa chuyện học hành rất khó khăn, nhất là những năm sau giải phóng. Dù đã được tạo nhiều điều kiện tốt, nhưng bản thân người học phải chủ động và học tập không ngừng. Tôi thấy mình may mắn khi học tập tại ngôi trường này”.

Trường Bổ túc Văn hóa Công Nông cấp II, III Hậu Giang tiền thân là Trường Bổ túc Văn hóa Công Nông cấp I, II Hậu Giang, được thành lập vào năm học 1975-1976. Sau khi nước nhà được độc lập theo chủ trương của Tỉnh ủy Hậu Giang (lớn), với mục tiêu nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ. Từ năm học 1988-1989, Tỉnh ủy Hậu Giang đã quyết định không chiêu sinh tiếp, chuyển sang loại hình Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, để phù hợp tình hình mới. Sau 15 năm hoạt động, trường đã đào tạo hơn 10.000 lượt học viên tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp II, cấp III. Trong số này đã có nhiều thế hệ học trò thành đạt có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.

43 năm qua đi, quê hương nhiều thay đổi, đời người trải qua biết bao thăng trầm, chuyện học hành từ những ngày gian khó đến nay chỉ còn là ký ức và kỷ niệm, nhưng thế hệ học sinh hôm nay sẽ không quên, vì đó là một phần của lịch sử.

Tất cả vì thế hệ tương lai của đất nước

Thầy Nguyễn Mạnh Cử, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nhấn mạnh: “Hậu Giang đã xóa xã trắng trường mầm non, mẫu giáo và trong sự đóng góp để có những ngôi trường mới, khang trang đó, có công sức của mọi người, mọi nhà, để tìm cái chữ, chăm lo cho việc học hành. Tôi mong rằng các thầy cô tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, dạy chữ phải đi đôi với dạy người...”.

 

Toàn tỉnh có 340 trường từ mầm non đến THPT, trong đó, 85 trường mầm non, mẫu giáo (1 trường tư thục); 170 trường tiểu học; 62 trường THCS; 23 trường THPT. Đã có 193/340 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 56%. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>