Hết mình với nghề báo

17/06/2021 | 21:14 GMT+7

Để có những tác phẩm tạo ấn tượng trong lòng độc giả, khán giả là việc không hề đơn giản đối với phóng viên (PV), nhà báo; họ phải không ngừng nghỉ làm mới mình, mới từ tìm đề tài đến tiếp cận khai thác thông tin và thể hiện ra thành một tác phẩm báo chí...

Cũng vì thế mà nghề báo luôn đòi hỏi khắt khe với những người làm nghề, vậy mà nhiều người đã bám lấy nghề này hàng chục năm chưa biết mệt mỏi với niềm đam mê và trách nhiệm cống hiến...

Không ngừng làm mới mình

Hơn 10 năm công tác tại Báo Hậu Giang và cũng chừng ấy thời gian PV Hữu Phước được giao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Anh là cái tên quen thuộc xuất hiện trên “bảng vàng” thành tích của Giải báo chí tỉnh hàng năm với nhiều tác phẩm đạt giải cao.

PV Hữu Phước (trái) có nhiều bài viết chất lượng về mảng đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bí quyết của PV Hữu Phước là thực hiện các tác phẩm bám sát theo chủ đề mà Ban tổ chức Giải báo chí tỉnh đề ra thuộc lĩnh vực phụ trách; chọn thực hiện đề tài là những chỉ đạo đột phá về phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh; khi có đề tài thì tập trung khai thác cho sâu, viết cho hay…

Với cách làm đó, PV Hữu Phước đã thực hiện nhiều tác phẩm được đánh giá cao, như gần đây là “Tam nông bứt phá” đã phản ánh toàn diện sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh 5 năm qua, cũng như những định hướng, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thời gian dài phụ trách một lĩnh vực nên PV Hữu Phước “sợ” mình sẽ đi vào lối mòn nên cố gắng làm mới trong nghề, mới về đề tài, việc tiếp cận, khai thác thông tin và cách thể hiện thành tác phẩm. Về đề tài, người PV này luôn tìm những đề tài mới, thuận lợi là lĩnh vực nông nghiệp vốn là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh nên đó là “kho” đề tài rất phong phú để anh khai thác. Có đề tài rồi thì anh tập trung lấy thông tin có chiều sâu, nhấn mạnh vào các chi tiết đắt giá...

Được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn đã giúp anh bổ sung thêm kỹ năng, nghiệp vụ, nhờ vậy mà có sự đa dạng về đề tài, có được góc nhìn mới. Anh cũng thường xuyên đọc các bài viết về lĩnh vực nông nghiệp của các báo khác để học hỏi thêm vốn từ, cách diễn đạt. Bên cạnh đó, sự hướng dẫn, định hướng từ lãnh đạo phòng, Ban Biên tập cơ quan đã giúp anh ngày càng trưởng thành hơn trong nghề.

PV Hữu Phước chia sẻ rằng do viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên anh sử dụng từ ngữ gần gũi, mộc mạc. Anh cũng thường viết về những khó khăn mà người nông dân gặp phải do thiên tai, giá cả bấp bênh, dịch bệnh gây hại để ngành chức năng ghi nhận và có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Từ đó, anh thấy tác phẩm của mình có giá trị hơn...

“Lăn lộn” để có tác phẩm hay

Cũng viết nhiều về mảng nông nghiệp, PV Huy Sang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, cảm thấy vui vì tác phẩm của mình tạo được sự lan tỏa, có tính định hướng để nhiều nông dân áp dụng thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả.

PV Huy Sang (thứ hai từ trái qua) trong một chuyến tác nghiệp.

PV Huy Sang nhớ lại vào cuối năm 2016, Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung phải oằn mình chống hạn, mặn. Khi ấy, anh thực hiện tác phẩm “Cây trồng siêu hạn mặn” viết về cây mãng cầu ghép trên gốc bình bát thích hợp trồng trên những vùng đất bị nhiễm phèn mặn. Khi tác phẩm lên sóng đã có tác động tích cực, giúp phong trào trồng cây mãng cầu trên những vùng đất phèn mặn ở Long Mỹ phát triển, vừa nâng cao đời sống người dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.

PV Huy Sang cho rằng muốn có những tác phẩm hay thì người PV cần phải lăn lộn với nghề, không ngại khó, ngại khổ đeo bám khai thác những chi tiết đắt giá trong cuộc sống và công việc của nhân vật. “Phải thực sự gần gũi, thể hiện thiện chí thì người dân sẽ nói hết những tâm tư, tình cảm. Do đó, có những bài viết tôi phải tiếp xúc với nhân vật nhiều lần bất kể là ngày hay đêm để tạo cho họ sự gần gũi. Làm nghề mà sợ cực khổ, làm theo cách “mang giày, bỏ áo vô quần” thì sẽ không có tác phẩm hay”, PV Huy Sang chia sẻ.

Chính sự “cháy hết mình” như thế với nghề đã giúp PV Huy Sang đạt thành tích rất đáng nể tại các cuộc thi của tỉnh, khu vực và Trung ương. Nổi bật nhất là Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2014 với tác phẩm “Những cây tràm bạc triệu”. Bằng tình yêu và sự tâm huyết với nghề, PV Huy Sang đã và đang không ngừng trau dồi, học hỏi để ngày càng trưởng thành hơn về chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn hết, anh muốn thực hiện thêm những tác phẩm có giá trị để đồng hành và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Để có được một tác phẩm truyền hình chất lượng thì vai trò, đóng góp của người quay phim không hề nhỏ. Đặc biệt là việc phối hợp giữa phóng viên, biên tập viên với người quay phim có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của tác phẩm. Trước khi thực hiện một đề tài nào đó thì quay phim Văn Cảnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, sẽ phối hợp với PV xây dựng kế hoạch chi tiết những hình ảnh cần quay. Theo anh Cảnh, nếu phối hợp không tốt thì dễ dẫn đến tình trạng “hình một nơi - lời một nẻo”.

Quay phim Văn Cảnh lăn lộn, chịu khó trong nghề.

Trải qua hàng chục năm làm nghề từ đài huyện đến đài tỉnh, quay phim Văn Cảnh luôn thể hiện tinh thần chịu khó và dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm của mình. “Tôi cố gắng có 1-2 hình ảnh đắt giá trong 1 tác phẩm. Tôi thường xuyên xem các tác phẩm của đồng nghiệp để học hỏi các góc máy lạ, nhưng không áp dụng những điều đã học một cách máy móc, mà phải có sự sáng tạo, chế biến lại để trở thành cách thể hiện của riêng mình”, quay phim Văn Cảnh nói.

Đã hơn 50 tuổi nhưng quay phim Văn Cảnh không ngại lăn lộn, cực khổ để có tác phẩm hay. Khi thực hiện tác phẩm “Chuyện đời bên trang viết tâm hồn”, anh đã đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng để gặp gỡ nhân vật và ở lại đó một đêm để ghi nhận những hình ảnh chân thực về đời sống, tâm tư, tình cảm của họ. Nhờ vậy mà tác phẩm dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả, giúp anh nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phát thanh - truyền hình Nam sông Hậu lần thứ 18 được tổ chức vào tháng 6-2017.

Yêu nghề nên quay phim Văn Cảnh không ngại bỏ tiền túi mua các trang thiết bị như: flycam, máy quay dưới nước... để có điều kiện thực hiện những góc máy độc đáo, ấn tượng cho tác phẩm của mình.

“Lửa nghề” của phóng viên đài huyện

Làm báo không dễ dàng, nhất là đối với các phóng viên ở đài huyện, khi họ phải làm việc với cường độ cao, cùng lúc đảm đương nhiều vai trò. Anh Hữu Toàn, Đài Truyền thanh huyện Châu Thành A, vừa làm PV kiêm kỹ thuật viên. 17 năm qua, cùng chiếc máy quay phim, máy ảnh và máy ghi âm, anh đã “xung trận” khắp địa bàn huyện để thực hiện những bản tin, bài viết về mọi mặt đời sống diễn ra tại địa phương.

PV Hữu Toàn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh Toàn chia sẻ: “Ở đài chỉ có vài phóng viên, nhân lực mỏng nên hầu như mọi hoạt động tôi đều phải xắn tay áo lao vào làm với áp lực, cường độ cao. Nhờ đó mà sự đa năng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên”.

Một buổi sáng tác nghiệp tại hội nghị, anh vừa cầm máy quay để ghi hình, vừa cầm micro, máy ghi âm để phỏng vấn. Ăn xong bữa cơm trưa là anh ngồi ngay vào bàn làm việc viết tin, bài để phát cho chương trình phát thanh của đài huyện và gửi cộng tác với các cơ quan báo, đài của tỉnh. Phát thanh yêu cầu tiếng động; báo in, điện tử yêu cầu ảnh; truyền hình cần có hình ảnh... Mỗi nơi cộng tác lại yêu cầu cách thức thể hiện tin, bài khác nhau nên với một tin đó, anh phải viết sao cho phù hợp.

Để tác phẩm phát thanh tạo ra hiệu ứng tốt, anh cố gắng viết ngắn gọn, ngôn từ dễ hiểu, dễ nhớ. Anh cố gắng ghi nhận, phỏng vấn nhiều ý kiến của người dân để tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống. “Tôi thấy vui khi tin, bài của mình đã kịp thời đưa những thông tin thời sự của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, trung thực nhất. Đó cũng là động lực để tôi đi nhiều hơn, viết nhiều hơn”, anh Toàn chia sẻ.

Công việc khá vất vả do đi tác nghiệp nhiều và áp lực về thời gian để hoàn thành tác phẩm nhưng PV Hữu Toàn luôn cần mẫn và nuôi dưỡng “lửa nghề” trong công việc, để những bản tin phát thanh gần gũi, đầy ắp thông tin được vang lên đều đặn mỗi ngày…

Có thể nói, báo chí tỉnh nhà đang sở hữu lực lượng những người làm báo rất giàu nhiệt huyết và luôn “cháy” hết mình với nghề. Họ luôn biết cách vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi về nghiệp vụ để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, như góp thêm những “viên gạch” để cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, phát triển ổn định và tự tin hướng tới tương lai.

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>