Gia đình chính sách an cư

16/02/2017 | 08:01 GMT+7

Xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy luôn cố gắng thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhà ở.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Huế phấn khởi trước sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Chỉ tay về phía căn nhà mới còn thơm mùi sơn, ông Bùi Văn Của, ở ấp Láng Sen, không giấu được sự xúc động và vui mừng. Ông Của cho biết: “Sống tới từng tuổi này mới được ở trong căn nhà vững chãi. Mùa mưa không còn lo nhà dột, nền nhà không còn ẩm ướt như những năm trước, thật mừng không sao kể xiết”.

Đó là hạnh phúc rất giản dị nhưng cũng là niềm ao ước lớn lao của ông Của, bởi căn nhà trước đây rất lụp xụp, nền nhà thấp, dẫu gia đình đã mua cao su về che chắn nhưng mỗi khi trời mưa gió đều bị dột nước khắp nơi. Trước khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã làm đề nghị để gia đình được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. “Bây giờ, trời có mưa gia đình tôi không còn lo nữa. Các con, các cháu về thăm có chỗ ăn ở rộng rãi, sạch, đẹp hơn, ai nấy mừng lắm”.

Cũng như ông Của, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Huế, ngụ cùng ấp Láng Sen, cũng có chung niềm vui khi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. Giọng run run, mẹ Huế cho biết: “Trước đây, gia đình tôi đã được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, nhưng do cất lâu ngày nên nhiều chỗ xuống cấp, nền nhà thường xuyên bị ngập nước. Lâu nay, gia đình cũng dành dụm, nhiều lần tính sửa nhà lại nhưng vẫn chưa thực hiện được. Được Đảng, Nhà nước hỗ trợ xây mới căn nhà tình nghĩa, để gia đình không phải chịu vất vả mỗi khi mùa mưa về”.

Chồng và hai người con của mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhìn vào tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo ngay ngắn trên tường, mẹ Huế kể, chồng mẹ tham gia cách mạng từ thời trai trẻ, đến năm 1962 ông hy sinh. Trước nỗi đau mất chồng, mất cha, mẹ cùng hai người con tiếp tục lên đường chống quân xâm lược. Năm 1968, người con trai thứ hai Nguyễn Văn Chiến hy sinh. Khi đồng đội báo tin con hy sinh, mẹ Huế như ngã quỵ. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, đến năm 1974, người con gái thứ ba của mẹ là Nguyễn Thị Kim Hó cũng hy sinh. Mất mát do chiến tranh gây ra quá lớn, nuốt nước mắt vào lòng mẹ Huế tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Từng bị địch bắt tra khảo đánh đập dã man, nhưng mẹ Huế quyết chí không khai, kiên quyết một lòng với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, gia đình mẹ Huế được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Ngoài hưởng trợ cấp hàng tháng, mẹ Huế còn được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. “Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà ở mẹ rất vui. Bên cạnh đó, mẹ còn được Công an thị xã Ngã Bảy nhận phụng dưỡng suốt đời. Những hoạt động chăm lo ý nghĩa ấy, khiến mẹ thấy ấm lòng lắm”.

Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của các gia đình chính sách vẫn còn đó. Những tấm bằng Tổ quốc ghi công được các gia đình chính sách, người có công treo ngay ngắn trên tường như một lời nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiệp Lợi phải thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm chăm lo cho các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Toàn xã Hiệp Lợi hiện có 37 gia đình chính sách hưởng trợ cấp thường xuyên, với tổng kinh phí trên 51 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, có 1 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 9 thương binh, 3 người nhiễm chất độc da cam… Ông Huỳnh Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lợi, cho biết: “Việc chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở đã giúp nhiều gia đình phấn khởi, bởi có “an cư mới lạc nghiệp”. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục tranh thủ kinh phí từ tuyến trên, đồng thời vận động sự đóng góp của các mạnh thường quân, để tiếp tục xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, tạo điều kiện để mọi người vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>