Đồng chí Lê Đức Anh với chiến thắng Chương Thiện năm 1973

30/11/2020 | 07:12 GMT+7

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Trước tình hình đó, mặc dù chưa có chủ trương của trên về tiến công quân sự, song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân Quân khu 9 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn của địch đánh vào Chương Thiện, lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn cùng với kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng.

Hậu Giang trên tầm cao mới.

Để thực hiện dã tâm “Tràn ngập lãnh thổ” của ngụy quyền Sài Gòn, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 4 - Quân khu 4 ngụy triển khai kế hoạch bình định lấn chiếm rất tích cực, với khẩu hiệu: Trên hòa bình, dưới chiến tranh; ngoài hòa hợp, trong bình định. Kế hoạch bình định ở trọng điểm Tây Nam bộ năm 1973 của địch gồm 3 đợt, rất toàn diện, cả về quân sự, kinh tế, chính trị và chọn Chương Thiện làm trọng điểm bình định đột phá (Đây là địa bàn cơ động nằm giáp ranh các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá).

Khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực thì hai bên phải ngừng bắn tại chỗ, nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn trên khắp đồng bằng sông Cửu Long. Quân đoàn IV - Quân khu 4 Quân đội Sài Gòn tiếp tục nổ súng tiến công lấn chiếm, tiếp tục kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, tăng cường phản kích với mức độ đánh phá, càn quét ác liệt hơn trước. Tại vùng trọng điểm Chương Thiện, đối phương tổ chức phản kích quyết liệt ở Tây thị xã Vị Thanh và Đông Bắc huyện Long Mỹ.

Giữa tháng 3-1973, địch mở cuộc hành quân cấp Quân đoàn với lực lượng 30 tiểu đoàn, gồm 2 trung đoàn của Sư đoàn 21, 1 trung đoàn của Sư đoàn 9, Trung đoàn 9 thiết giáp với 52 xe M 113, 4 tiểu đoàn pháo, 2 giang đoàn và một số tiểu đoàn bảo an; tổ chức đội hình thành nhiều cánh, đồng loạt đánh vào Tây Nam huyện Long Mỹ, nhưng đối phương vấp phải các đơn vị của ta đã bố trí triển khai đánh đối phương từ xa đến gần, thực hiện chia cắt từng cánh quân.

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, ngày 28-1-1973, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi “Nhiệm vụ trước mắt của đồng bào cả hai miền Nam - Bắc nước ta là tăng cường đoàn kết, luôn luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước”.

Để nắm tình hình ta, địch ở các địa phương, ngay từ ngày 27-1-1973, các đồng chí trong Thường vụ Khu ủy đi kiểm tra. Từ tình hình thực tế đối chiếu với Chỉ thị 02 của Trung ương Cục, ngày 2-2-1973 Thường vụ Khu ủy chủ trương: “Phát huy thắng lợi của Hiệp định Pa-ri, không mơ hồ ảo tưởng, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công bằng sức mạnh của quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý, trừng trị địch vi phạm Hiệp định để giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ, đánh bại địch bình định, lấn chiếm, tiêu diệt và làm tan rã thật nhiều sinh lực địch, phát triển lực lượng ta về mọi mặt. Kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, đưa phong trào tiến công và nổi dậy của Nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn”. Đồng thời Thường vụ Khu ủy vừa báo cáo lên Trung ương Cục và Trung ương; vừa triển khai cho các cấp trong Khu. Triển khai đến đâu, sinh khí phấn khởi đến đó, gỡ được tình hình “lượng sượng” mấy ngày đầu. Phong trào và khí thế cách mạng phát triển rất tốt.

Trước tình hình địch như vậy, với cương vị Tư lệnh Quân khu, sau khi thống nhất với Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Thường vụ Khu ủy, đồng chí Lê Đức Anh quyết định điều chỉnh lại bố trí lực lượng, tập trung 4 trung đoàn chủ lực về địa bàn tỉnh Chương Thiện. Mỗi trung đoàn đảm nhiệm một vùng địa bàn then chốt quy định, nhưng khi cần thiết thì có thể tập trung từ 2 đến 3 trung đoàn tiến công trên một hướng. Phương thức tác chiến là: Tích cực đánh quân địch ngoài công sự vững chắc, đánh đồn địch mới đóng, đánh tàu đối phương cơ động trên sông, săn lùng xe cơ giới đối phương ban đêm, đánh đối phương với lực lượng tổng hợp nhỏ lẻ, khi có điều kiện thì đánh tập trung tiêu diệt từng tiểu đoàn của đối phương.

Đánh đến ngày 20-4 thì các cánh quân của đối phương bị chặn đứng. Cuối tháng 4-1973, địch điều thêm lực lượng bảo an vào Chương Thiện, đưa tổng quân số tương đương 46 tiểu đoàn để tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định, lấn chiếm.

Khi đang đánh địch bình định, lấn chiếm “tràn ngập lãnh thổ” thì Trung ương Cục có Chỉ thị 02 với phương châm “kết hợp chặt giữa đấu tranh chính trị, võ trang và pháp lý, lấy đấu tranh chính trị là cơ sở, đấu tranh võ trang là hậu thuẫn…” và chỉ thị rút một phần (cụ thể là rút 2 trung đoàn) về Căn cứ U Minh để chỉnh huấn. Trung ương Cục còn 2 lần điện yêu cầu Quân khu 9 phải thấy tình hình mới, phải có biện pháp mới, còn Bộ Chỉ huy Miền thì điện phê bình Quân khu 9 không thi hành chủ trương của Trung ương Cục và thông báo cho toàn miền. Lúc đó dư luận chung cho rằng Tây Nam bộ chúng tôi “xé Hiệp định Pa-ri”.

Cuối tháng 5-1973, đoàn đại biểu binh vận và thanh niên của Quân khu 9 đi Trung ương Cục dự hội nghị, tiếp thu chủ trương của trên, về báo lại với đồng chí Lê Đức Anh chủ trương của Trung ương Cục: “Trên R1 có người đề nghị đưa anh ra tòa vì anh không chấp hành Hiệp định, phá hoại Hiệp định”. Trước tình hình địch vi phạm Hiệp định, tràn ngập lãnh thổ, đánh phá các cơ sở cách mạng của ta và với tính cách quyết đoán, sáng suốt, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Lê Đức Anh liền nói: “Được, anh yên tâm đi! Nhưng anh không được nói với ai chuyện này. Tôi phải đánh đã. Nếu thua thì tôi ra tòa luôn một thể. Chủ trương này tất cả Khu ủy đã nhất trí, anh cũng phải chấp hành cái đã! Tôi biết, trên yêu cầu thì anh phải về nói, chứ thực chất anh là người chiến đấu kiên cường”.

Từ sự quyết đoán, táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đồng chí Lê Đức Anh mà lực lượng địch ở Chương Thiện liên tiếp bị thất bại, bị đánh bật ra khỏi địa bàn. Vì vậy, cuối tháng 6-1973, Thường vụ Khu ủy Tây Nam bộ cử đồng chí Mười Kỷ (Thường vụ Khu ủy) lên báo cáo, xin ý kiến Trung ương Cục và đồng chí Sáu Dân (Bí thư Khu ủy) được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ra Hà Nội báo cáo với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; sau đó đồng chí Sáu Nam (Tư lệnh Quân khu) cũng ra Hà Nội báo cáo với Quân ủy Trung ương. Tiếp thu cách làm của Khu 9, tại Hội nghị lần 21 (tháng 7-1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết “Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”. Sau khi phân tích tình hình, Trung ương đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới: Tiếp tục thực hiện chiến lược dân tộc, dân chủ nhân dân, tập trung mũi nhọn vào đế quốc và tập đoàn tay sai, đi đến xóa bỏ chính quyền tay sai Mỹ, xóa bỏ chế độ thực dân mới, thiết lập một chính quyền dân tộc, dân chủ thực sự, thực hiện một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ tiến tới thống nhất nước nhà.

Đây là Nghị quyết rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Nghị quyết thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta: Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Đây là Nghị quyết rất cơ bản của Đảng ta sau thắng lợi Hội nghị Pa-ri. Nghị quyết đã làm chuyển biến tình hình từ cuối năm 1973 và năm 1974 đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn toàn thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng đối với khu Tây Nam bộ, Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn toàn giải tỏa mọi băn khoăn, khúc mắc, nên được tiếp thu hết sức phấn khởi.

Sau khi có chủ trương của Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh cùng lực lượng chủ lực của Khu kết hợp với bộ đội địa phương của các tỉnh đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm đợt 2 của địch ở Chương Thiện (từ đầu tháng 6/1973 - 10/1973). Lực lượng của ta (cả vũ trang và chính trị) ngày càng trưởng thành, cả về tư tưởng, tổ chức, chiến thuật, kỹ thuật. Tình hình đó mở ra triển vọng mới: Vừa tiêu diệt được sinh lực địch, vừa giữ được đất, giành được dân.

Với sự nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, với tính quyết đoán, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với cấp trên, đồng chí Lê Đức Anh cùng với Khu ủy khu 9 đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và động viên Nhân dân trong toàn Quân khu quyết tâm chiến đấu, đánh bại 75 lượt tiểu đoàn của địch tràn ngập lãnh thổ, đánh chiếm Chương Thiện, từ đó góp phần tạo ra thế và lực mới để cùng với cả miền Nam tiến lên làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn toàn thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

PHẠM NGỌC QUỲNH

--------------

R1 là mật danh của Trung ương Cục lúc đó.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>