Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Đào kinh xáng Xà No

18/06/2021 | 08:51 GMT+7

Kinh được đào theo quy cách: chiều sâu 2,5-9 thước, chiều rộng miệng trên 60 thước, dưới đáy 40 thước...

Kinh xáng Xà No đoạn thuộc thành phố Vị Thanh ngày nay. Ảnh: T.T

Theo ghi nhận, sau 10 năm chiếm trọn Tây Nam kỳ - quan chủ tỉnh người Pháp Brière báo cáo cấp trên: vùng Rạch Giá diện tích 180.000 mẫu nhưng mới khai thác được 1%, tức 1.948 mẫu, trong đó chỉ có 1.400 mẫu ruộng, số dân đinh chừng 10.000 người. Nhà Nam Bộ học Sơn Nam ghi nhận, theo mô tả của viên quan chủ tỉnh người Pháp  Benoist, khi ông ta cho quân lính đi truy nã “phiến loạn” trên phần đất hoang vu giữa Cần Thơ - Rạch Giá, rằng nơi đây là cánh đồng hoang vu toàn sậy, đế, lúa ma và trâu rừng.

Khung cảnh hoang vu đầy hiểm nguy đó chính là vùng đất 2 bờ kinh xáng Xà No ngày nay. Tức một phần địa bàn của các huyện: Châu Thành A, Phụng Hiệp cho đến huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) và một phần huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Nhằm thực hiện ý đồ thực dân, người Pháp nghiên cứu rất kỹ tiềm năng đất đai phía bờ Tây sông Hậu, vì lúc này phía bên kia bờ Vĩnh Long và vùng sông Tiền đã khai phá gần hết đất. Thế rồi, sau khi thử nghiệm đào con kinh Ô Môn - Thị Đội  (năm 1896) ăn qua vùng sông Cái Bé (Rạch Giá) để khai thác cánh đồng Thới Lai - toàn quyền Đông Dương De Lanessan cho tiến hành đào con kinh xáng Xà No.

Đây là sáng kiến của 2 điền chủ người Pháp có thế lực là Duval và Guery, trong kế hoạch khai thác cánh đồng còn hoang vu rộng lớn giữa 2 tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá. Đâu chỉ có lợi ích về nông nghiệp, người Pháp còn nhìn xa hơn: có con kinh này, một đường thủy chiến lược sẽ nối liền với sông Cái Lớn, ra biển Tây; góp phần phá thế cô lập của vùng Rạch Giá với Nam Kỳ lục tỉnh. Mặt khác, lại kiểm soát được cả về an ninh, quân sự tới vùng bán đảo Cà Mau - vịnh Xiêm La.

Việc thực hiện đào kinh do công ty Pháp Montvenoux lãnh thầu, đem 4 chiếc xáng mang tên Loire, Nantes (là các địa danh bên nước Pháp) và Mỹ Tho 1, Mỹ Tho 2. Mỗi chiếc mạnh 350 mã lực, mỗi gàu nước múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60 thước.

Do việc đào kênh bằng cơ giới từ chiếc máy múc bùn đặt trên chiếc xáng sà lan (người Việt đọc trại là chiếc xáng) nên kinh đào này gọi là kinh xáng.

Về tên gọi Xà No, vì đây là địa điểm khởi đầu con kinh phía Cần Thơ, máy đào cắt ngang rạch Xà No (tên rạch cũng là tên một khu xóm người Khmer (Sork Snor) có nhiều cây xà no (tức cây điên điển), nên dự án này cũng mang tên kinh Xà No, dù con kinh chạy dài xa tận Vị Thanh, Hỏa Lựu đến 34 cây số.

Tìm hiểu chi tiết cách đào kinh xáng Xà No với các thông số kỹ thuật, mới thấy quy mô và công việc thực hiện đồ sộ nhưng hết sức khó khăn của một công trình thủy nông vào bậc nhất Nam kỳ, sánh ngang với công trình đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho thời ấy.

Tuyến kinh có tổng chiều dài 45 cây số, phần thành phố Cần Thơ 12 cây số,  phía Rạch Giá 33 cây số theo một đường nước thẳng tắp, không có độ cong. Kinh được đào theo quy cách: chiều sâu 2,5-9 thước, chiều rộng miệng trên 60 thước, dưới đáy 40 thước.

Theo mô tả hoạt động xáng múc: “… từ xa chiếc xáng giống như chiếc hạm, máy chạy vang rền suốt năm ba cây số ngàn, mang theo một số chuyên viên, nhơn công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt de bằng củi…” (Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam).

Chỉ trong vòng 3 năm (từ năm 1901 đến tháng 7-1903) kinh xáng Xà No hoàn thành, phí tổn lên đến 3.680.000 quan Pháp. Lễ khánh thành diễn ra tại địa điểm Vàm Xáng đoạn kinh phía Cần Thơ, có viên quan toàn quyền Đông Dương và nhiều quan chức địa phương tới dự.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>