Chú trọng khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất

15/01/2019 | 09:43 GMT+7

Theo đánh giá của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương, trong khi tỷ lệ khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất ở một số tỉnh, thành trên cả nước chưa cao thì ở Hậu Giang chiếm hơn 75%. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí (ảnh), Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh, cho biết:

- Công tác khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động, sản xuất có ý nghĩa như chất xúc tác cho sự lan tỏa các phong trào thi đua. Thực tế chứng minh, từ những trường hợp nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên… được khen thưởng đã thúc đẩy thi đua thêm sôi nổi. Vì khi thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay xóm giềng được khen thưởng thì cá nhân khác sẽ nỗ lực, phấn đấu lao động. Đây là yếu tố rất quan trọng để các phong trào thi đua đi vào chiều sâu.

Công tác TĐKT cho người trực tiếp lao động, sản xuất trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện thời gian qua.

Việc thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh năm qua đạt được kết quả như thế nào, thưa ông ?

- Năm 2018, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện có chiều sâu 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Từ đó, tạo tiền đề, nền tảng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 được các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai bằng nhiều giải pháp thi đua thiết thực để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Kết quả trong năm, toàn tỉnh công nhận thêm 5 xã nông thôn mới gồm: Phương Bình, Phú An, Trường Long A, Long Trị và Bình Thành, nâng đến nay có 27 xã nông thôn mới, chiếm 50% tổng số xã toàn tỉnh.

Qua tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự vươn lên để thoát nghèo của người dân. Đặc biệt là nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo thiết thực từ cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Kết quả năm 2018, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,63% xuống còn 7,13%, giảm 2,5% so năm rồi…

Thưa ông, các phong trào thi đua đặc thù được tỉnh tổ chức trong năm qua đã mang lại hiệu quả ra sao ?

- Năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua đặc thù của tỉnh như: thi đua làm theo gương Bác; thi đua trong Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây; thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh…

Đối với ngành giáo dục và đào tạo đã phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2017-2018”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngành y tế tổ chức thi đua với phương châm “Lương y như từ mẫu”; “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”...

Các phong trào thi đua đặc thù đều có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị và kế hoạch chương trình của tỉnh cũng như tình hình thực tiễn nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy đã khơi gợi nguồn lực, sức mạnh thi đua để các cơ quan, địa phương, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức đề ra những cách làm mới, sáng tạo, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Và theo tôi, đó là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh nhà đạt được bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong năm.

Dù đạt nhiều kết quả phấn khởi nhưng công tác TĐKT trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những hạn chế gì, thưa ông ?

- Đó là phong trào thi đua ở một số sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị chưa duy trì thường xuyên, có nơi còn mang nặng tính hình thức hoặc chạy theo thành tích. Nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua chưa thật sự đổi mới, thiếu tính sáng tạo, chưa chú trọng nâng cao chất lượng phong trào thi đua cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới nên kết quả thi đua chưa thật sự bền vững. Việc biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua từng lúc, từng nơi thực hiện thiếu chiều sâu, kịp thời.

Thưa ông, để tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh trong năm nay thì công tác TĐKT sẽ được tổ chức như thế nào ?

- Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác này.

Tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong hệ thống chính trị, trong đó đẩy mạnh phong trào thi đua đặc thù và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đặc biệt là quán triệt, tuyên truyền tư tưởng: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc.

Ngoài ra, sẽ phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; quan tâm chỉ đạo sơ, tổng kết, tuyên dương, nhân rộng các điển hình, mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua tỉnh nhà.

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>