Nhớ Trường Sa…

30/01/2017 | 14:10 GMT+7

Vậy là 4 năm rồi nhỉ? Tôi nhớ cái ngày xuống tàu ra khỏi Vịnh Cam Ranh để đến Trường Sa, những cơn sóng to đùng vồ vập thân tàu, chúng tôi tưởng mình như đang ở trong… chảo rang đậu phộng, nằm la liệt. Khi khỏe khỏe nói với nhau sợ tới già, chắc không dám đi nữa. Rồi gần cả tháng trời lênh đênh trên tàu, được “ăn sóng, nói gió”, được hòa mình vào cái mênh mông của trời biển quê hương… đến lúc về lại đất liền, lại thấy sao mà nhớ Trường Sa ghê gớm, đúng là:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”.

Một góc đảo Trường Sa Lớn.

Bên cái bếp lò đỏ lửa, nồi bánh chưng to đùng nghi ngút khói, mọi người quây quần cùng nhau đón giao thừa sớm. Ôm cây đàn ghi-ta trên tay, “giáo sư” Xuân Huy (công tác ở Trường Chính trị Hải Dương) dạo vài nốt, rồi cất tiếng hát:

“…Anh vẫn đếm ngày giữ biển khơi

Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi

Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.

Lời ca nồng nàn, quyện cùng một chút thoang thoảng của hoa bàng vuông nở muộn, thêm cái gió rin rít muối biển nơi đảo xa, làm cho đêm giao thừa sớm nhẹ nhàng mà khó quên quá!

   Sẽ mãi không quên Trường Sa thương yêu.

Thiệt tình là hồi đó tới giờ tôi ít ăn bánh chưng lắm, dân miền Nam mà, ăn bánh tét quen hơn. Rồi lần đó đi công tác theo đoàn phóng viên đến Trường Sa, thấy mấy anh lính cùng người dân trên đảo lấy lá bàng vuông gói bánh chưng, tôi đã thấy không… tin nổi. Vì tôi biết gói bánh chưng chỉ có lá dong là ngon và “đúng bài” nhất. Đúng là gói bánh chưng bằng lá bàng vuông không chuẩn như dong, nhưng chính cái vị chan chát, hăng hắc của lá bàng vuông, cùng cái vị mặn mòi của nước biển nơi đầu sóng ngọn gió đã thấm vào từng gân lá hòa quyện vào mùi nếp, đã khiến ai ăn rồi đâu dễ gì quên… Sau ngày ấy, về quê tôi lại thích ăn bánh chưng, đi siêu thị lâu lâu lại mua một cái, nhưng đâu có tìm được cái hương vị ngày ấy.

Giao thừa sớm ở đảo Trường Sa Lớn. “Giáo sư” Xuân Huy là người ôm đàn ngồi hàng trên.

Cái buổi nấu bánh chưng đêm hôm đó kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ thôi, nhưng 4 năm qua, tết nào “giáo sư” Xuân Huy cũng nhắc: “Nhớ cái giao thừa đảo xa quá. Về nhà, tôi cũng mang đàn hát bên nồi bánh chưng bà xã nấu đêm 30 tết, nhưng hát rồi lại nhớ Trường Sa thêm…”. Gọi là giáo sư, vì bác phong cách lắm và cái gì cũng biết hết. Tôi biết, nỗi nhớ đó đâu chỉ có riêng của bác Xuân Huy…

Bữa hổm, tôi điện cho bác sĩ Quách Long Vỹ, công tác tại Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) anh đi cùng chuyến ra đảo với tôi, chỉ khác là anh ở lại công tác 1 năm. Anh cười nhớ lại: “Mình đã về đất liền gần 3 năm rồi cậu ạ. Nhớ hôm đi, đúng là tư tưởng vững vàng rồi, chợt nghĩ tới đứa con chưa đến thôi nôi lại thương vợ quá, nhưng tớ nghĩ con mình sau này sẽ tự hào lắm đấy. Cậu biết không, đến giờ vẫn còn lưu cái tấm giấy học sinh mà thầy giáo và học sinh Trường Sa gửi mình trước khi hết đợt công tác ngoài đảo”.

Rồi anh đọc:

“Anh đã về đây mang nỗi nhớ Trường Sa

 Vẫn vẹn nguyên trái tim mình phía biển…”

Tới đó, anh nghẹn lại… một lát mới đọc tiếp:

“Dù nhỏ thôi nhưng đó là hình hài đất nước

Là tự hào, là máu thịt của đất mẹ yêu thương”.

Khi cây phong ba đâm chồi non, cũng là lúc những cánh thư Xuân Trường Sa được viết và gửi về đất liền với bao tình cảm nồng thắm…

Tôi biết anh xúc động vì anh nhớ Trường Sa, nhớ từng hàng cây, con đường nhỏ, từng người dân mà anh đã có lần khám, chữa bệnh, đến từng cái bánh mà người dân hay làm đem đến để đền ơn bác sĩ… Bởi vậy, về đất liền, khi biết có đồng đội ra đảo, anh lại gửi quà bánh ra cho mọi người, chút tấm lòng thơm thảo gửi đảo xa, cùng một bức thư dài 2 trang A4 đến đảo. Hồi cái năm ra đảo, tôi có hỏi Thành Y Miên, một anh lính người dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận ra đảo làm nhiệm vụ, là muốn quà gì từ đất liền nhất, Y Miên bảo: “Em muốn được đọc thư từ bờ ra”. Mỗi năm một lần, cứ đến dịp cây phong ba trên đảo thay lá mới, những cán bộ, chiến sĩ lại tụ họp để làm: “Những cánh thư Xuân Trường Sa”. Rồi đọc lên những lá thư xúc động từ đất liền gửi đến và cũng để cho cán bộ, chiến sĩ viết thư gửi về người thân, bạn bè của mình. Ở Trường Sa bây giờ điện đài ổn định lắm, điện thoại xài khá dễ dàng, nhưng những cánh thư xuân như vầy luôn được coi như kỷ vật. Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Phạm Văn Hòa nói có những lá thư đã bạc màu thời gian, nhìn không rõ nét chữ, nhưng ông vẫn giữ lại, vì đó là tấm lòng của đất liền.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Trường Sa hớt tóc cho người dân trên đảo.

Ở đảo, cái hột muối cũng chia đôi, hột đường cũng san sẻ. Cứ xong xuôi công việc, những cán bộ thị trấn Trường Sa lại xuống nhà dân rủ mấy anh tóc dài lên hớt tóc. Hớt tóc ở đảo đâu có kính để dòm, chỉ phó mặc cho “bác thợ cạo” thôi, mà cũng đủ cả đồ nghề, nào tông-đơ, nào kéo, lược, dao cạo xịn… tất cả đều từ đất liền gửi ra hết. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông Hoàng Phước Sơn, khi đó là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Trường Sa, danh từng đường kéo, tỉ mẩn cắt tóc cho người dân trên đảo. Ông Sơn chia sẻ: “Phải đùm bọc mà sống tốt chứ, quân, dân trên đảo như người một nhà. Hồi đó, tôi cũng đâu biết hớt đâu, nhưng học lóm riết cũng biết hớt chút đỉnh, vậy mà được mọi người khen đẹp. Cán bộ lại hớt cho dân, dân lại hớt cho cán bộ”. Đến đây, tôi mới cảm nhận rõ hơn câu nói: “Quân với dân như cá với nước”.

Tình quân dân ở đảo thắm thiết lắm.

Chỉ huy trưởng Phạm Văn Hòa, khi đó hay nói trong mấy bữa cơm: “Cán bộ, chiến sĩ có thể chịu thiếu thốn, nhưng phải để dân đầy đủ, dân mà phàn nàn điều gì, chúng tôi nhận lỗi trước tiên”. Dù ở đảo xa cuộc sống còn khó khăn, nhưng chẳng có người dân nào phàn nàn, vì họ hiểu cái nghĩa, cái tình mà cán bộ, chiến sĩ dành cho họ, gắn bó và thân thuộc như một nhà vậy, nên có gì cũng chia sớt, cùng đồng cam cộng khổ.

Mấy em bé ở Trường Sa hạnh phúc vì nhận được nhiều tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ.

Tôi biết, cuộc sống ở đảo xa đâu hề dễ dàng, có thể thiếu thốn, có thể chưa đầy đủ như đất liền, nỗi nhớ quê lúc nào cũng đong đầy trong từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây, nhưng tình yêu thương cả dân tộc, niềm kỳ vọng của cả đất nước đã gửi về đây, để mỗi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng đất Việt…

***

Giây phút lên tàu HQ 571 về lại đất liền, tôi vẫn không thể quên giọt nước mắt và cánh tay vẫy của phóng viên Hồng Tâm (Báo Thái Nguyên). Tâm nói trong nước mắt: “Mình khóc vì hạnh phúc đấy, vì lần đầu được đến với đảo thiêng liêng Tổ quốc, mình cũng khóc vì tiếc nuối, chưa hiểu hết về đảo xa và khóc biết chắc khó lắm mới đến được Trường Sa lần nữa!”…

Sao mà nhớ đến vậy, Trường Sa ơi !

Nhớ Trường Sa ngày cuối năm.

CHÍ NGUYỆN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>