Góc thư giãn của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa

06/02/2017 | 07:39 GMT+7

Ngoài giờ huấn luyện, canh gác, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi “đầu sóng ngọn gió” cũng có những góc giải trí riêng không kém phần lý thú.

Một góc thư giãn của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.

Trong chuyến công tác tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau thời gian mệt đừ vì nhiều ngày vượt trùng khơi tác nghiệp, khoảng 17 giờ 30 phút của một ngày cuối tháng 12-2016, cánh phóng viên ngồi uống trà với cán bộ của đảo Trường Sa dưới tán cây bàng vuông, bỗng đâu đó vang lên tiếng sáo với bài hát “Nơi đảo xa” làm chúng tôi khá bất ngờ.

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.

Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cười và nhanh miệng cho biết: “Người thổi sáo là chiến sĩ Nguyễn Minh Quân mới ra đảo cách đây khoảng 6 tháng. Từ khi ra đảo, những dịp giao lưu văn nghệ, chiến sĩ Quân đều biểu diễn thổi sáo và thổi được khá nhiều bài về biển đảo”.

Qua lời giới thiệu của trung tá Tuyến, xen lẫn âm thanh tiếng sáo vang lên du dương vào một buổi chiều lộng gió đã làm cảm giác mệt của chúng tôi hầu như tan biến. Chờ cho thổi xong bài hát, chúng tôi bắt chuyện và được biết Quân đến từ thành phố mang tên Bác. Quân ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được 6 tháng nhưng biết thổi sáo hơn 1 tháng trước đó. “Sở dĩ em muốn học thổi sáo trước khi ra đảo là vì đã đam mê từ lâu. Với lại, em rất thích âm nhạc, vì nó được xem như món ăn tinh thần giúp mọi người cảm thấy thoải mái, đỡ mệt mỏi sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng”, chiến sĩ Quân cho biết.

Những bài hát mà Quân thường thổi là “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”, “Bâng khuâng Trường Sa”… vì vừa gần gũi với lính đảo, vừa giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ yêu quê hương, yêu biển đảo hơn. Đặc biệt, sau những phút thả hồn vào bài hát, Quân cảm thấy thoải mái, sẵn sàng cho một ngày mới, nhiệm vụ mới. Do đó, ngoài đồng đội, cây sáo đối với Quân là vật bất ly thân...

Cách đó không xa, dưới cột mốc chủ quyền của Tổ quốc có trên 10 cán bộ, chiến sĩ đang ngân nga hát bài “Lướt sóng ra khơi” rất hào hùng và đầy tình cảm, đệm theo đó là tiếng đàn ghi-ta được một cán bộ trong đất liền tặng khi ra thăm đảo…

Chiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng bộc bạch: “Không ngờ giữa trùng khơi mà chúng tôi được thoải mái ca hát như thế này. Như thế giúp chúng tôi bớt căng thẳng, mệt mỏi sau giờ học tập, huấn luyện. Ngoài ra, những lời ca tiếng hát còn giúp chúng tôi đỡ nhớ gia đình, bạn bè và yêu quê hương, đất nước hơn”. 

Theo trung tá Tuyến, để đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo có nơi vui chơi, giải trí sau những giờ huấn luyện, canh gác, đơn vị tạo mọi điều kiện cho từng người phát huy sở trường của mình như: thể dục thể thao, văn nghệ bằng cách tổ chức giao lưu, thi thố thường xuyên. Bên cạnh đó, đơn vị còn được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, giải trí trong nhà để cán bộ, chiến sĩ đủ phương tiện luyện tập. Cũng nhờ có các cuộc thi thể thao, văn hóa văn nghệ đã làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu nhau hơn, quyết tâm chắc tay súng giữ vững vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Trong chuyến tác nghiệp tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần này, ngoài đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo thì có lẽ những chú chó ở các đảo đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Mỗi khi có tàu thuyền cập cầu cảng ở bất cứ đảo nào, đàn chó lại chạy ra dàn hàng, luýnh quýnh vẫy đuôi như cảm nhận được hơi ấm từ đất liền mang đến, có con phấn khích nhảy ùm xuống biển để trổ tài bơi lội.

Đến đảo Đá Đông, sau khi nghe lãnh đạo đảo báo cáo kết quả hoạt động trong năm qua, chúng tôi mãi tìm đề tài có gì mới để viết thì thấy một chiến sĩ của đảo bơi ra dải san hô đến bè để bắt cá, bất ngờ có một chú chó của đảo bơi theo. Hai chân trước của chú chó bám lên vai của chiến sĩ và ở mãi ngoài ấy cho đến khi chiến sĩ bơi vào.

Một cán bộ của đảo cho biết, không chỉ theo cán bộ, chiến sĩ bắt cá, những chú chó ở đây còn thường xuyên theo cán bộ, chiến sĩ trong các ca trực hay tuần tra trên biển. Chó rất tinh mắt, thính tai, có thể phát hiện vật lạ trong bóng tối. “Nhiều con khi phát hiện người lạ thường không lên tiếng mà chạy xung quanh bộ đội, hay tiến lại cào vào chân như ra ám hiệu. Khi phát hiện vật thể lạ trôi dạt vào đảo, chúng sủa inh ỏi”, chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Một điểm đặc biệt của những chú chó ở các đảo là được cán bộ, chiến sĩ rèn luyện nhiều khả năng như bắt cá, bơi trên sóng, đứng hai chân để “bắt tay” hay “tạm biệt” khách… Chiến sĩ ở đảo Đá Đông kể: Có lần trong quá trình đánh bắt cá tôi trượt chân ngã và bị trật khớp không thể đi được, đành ngồi lại ở một góc đảo. Vậy là có vài chú chó chạy lẩn quẩn quanh tôi, còn một vài con thì chạy về trung tâm chỉ huy... Lát sau có cán bộ, chiến sĩ đến đưa tôi về.

Chính vì thế, những chú chó ở đây được quý đến mức có tên như con vàng, con bạc, con ngọc hay tên những ca sĩ, cầu thủ bóng đá mà mình hâm mộ... Với lính đảo, ngoài giờ canh gác, những con chó khôn là bạn để tâm sự, đùa giỡn... “Nhiều khi nhớ nhà, mình lại tìm đến… chó để… tâm sự. Như hiểu được tiếng người, chó luôn chăm chú đưa mắt nhìn, lắng nghe. Từ đó, làm cho chúng tôi yêu quý chúng hơn, không muốn rời xa”, chiến sĩ Hùng cho biết thêm.

Tận dụng thời gian rảnh để vui chơi, giải trí, song các anh vẫn không quên nhiệm vụ. Thời gian canh gác của các anh vẫn luôn nghiêm túc vì sự bình yên của Tổ quốc. 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>