Điểm tựa cho ngư dân an tâm bám biển

09/01/2017 | 07:33 GMT+7

Hôm công tác tại đảo Đá Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được cán bộ ở đây mời dùng cơm. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bữa cơm vẫn có đầy đủ thịt, cá, rau... Thiếu tá Bùi Văn Tiếp, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, khoe: Để được như thế, đơn vị đã đẩy mạnh tăng gia trồng rau và chăn nuôi, đặc biệt ở đây nuôi được vịt nước mặn.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây góp phần không nhỏ để ngư dân an tâm bám biển.

Đột phá từ nuôi vịt nước mặn

Một nơi bốn bề là biển cả, nắng nóng, giông gió, mưa bão, vậy mà các anh nuôi được vịt nước mặn. Trong suốt buổi dùng cơm, cánh phóng viên chúng tôi tự hỏi nhau vịt nước mặn có hình dáng thế nào, có gì đặc biệt so với vịt nước ngọt, và nhiều câu hỏi khác, nhưng tất cả không ai biết.

Sau bữa cơm, thiếu tá Tiếp dẫn chúng tôi xem khu chăn nuôi của đơn vị có cả vịt, gà, heo. Chỉ tay về phía hơn 20 vịt con vừa nở vài ngày, đang trong lồng sưởi ấm, thiếu tá Tiếp nói: “Loại vịt này rất khỏe, háu ăn, uống được nước biển và lớn khá nhanh. Nuôi khoảng 3-4 tháng thì đạt trọng lượng 2,5-2,7kg/con. Một năm, chúng tôi nuôi khoảng 3 đợt, mỗi đợt từ 20-30 con. Ở đây thiếu thứ gì chứ vịt nước mặn thì không”.

Vịt nước mặn được đơn vị nuôi thử nghiệm cách đây khoảng 2 năm và đạt hiệu quả khá cao. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên đơn vị nuôi loại vịt này cặp luồng, lạch, có bờ lên xuống, tuy chúng uống được nước biển nhưng nhiều ngày dưới biển sẽ bệnh, chết. Thấy vậy, đơn vị xây chuồng có khoảng cách với mặt nước, che màn để ngăn ngừa nắng nóng, sóng gió nên vịt ít hao hụt. So với vịt nước ngọt trong đất liền thì vịt nước mặn ăn được nhiều loại thức ăn công nghiệp, cám, lúa, nghêu, sò và nhiều loại cá biển; chống chịu dịch bệnh rất tốt…

Cũng nhờ dễ tăng đàn nên đơn vị quan tâm mở rộng chăn nuôi, có cả máy ấp trứng để tạo nguồn vịt con. Ngoài ra, đơn vị hiện có 2 vườn rau, chủ yếu là rau muống, cải, mồng tơi...

Chỗ dựa cho ngư dân bám biển

Ngoài việc vững tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây còn phối hợp với lực lượng chức năng trên đảo thực hiện tốt công tác dân vận, giúp ngư dân an tâm bám biển.

Đang sửa lại máy của tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản hư cách đây vài ngày, anh Nguyễn Phước Vũ, cán bộ cơ khí của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Trung bình mỗi tháng chúng tôi sửa từ 2-3 trường hợp tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản bị hư. Việc thay thế phụ tùng chúng tôi chỉ lấy giá gốc, còn công thì miễn phí, như thế đỡ tốn cho ngư dân và giúp họ an tâm bám biển”.

Do điều kiện tự nhiên, các luồng, lạch xung quanh đảo Đá Tây thuận lợi nên thu hút một lượng hải sản khá lớn, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên… cũng đến khai thác khá đông. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt không ít trường hợp gặp sự cố như máy móc hỏng hóc, ảnh hưởng đến quá trình đánh bắt, nguy hiểm đến tính mạng. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Theo đó, khi gặp sự cố, các phương tiện của ngư dân không thể đến trung tâm thì 2 đơn vị trên phối hợp đến nơi ngư dân bị nạn để giúp đỡ. Và khi tàu thuyền ngư dân khai thác hải sản đến trung tâm sẽ được cung ứng nhiên liệu đúng giá quy định, được cung cấp nước ngọt miễn phí, được bố trí nơi nghỉ ngơi khi tránh, trú bão; được chăm sóc y tế, được cung ứng lương thực, thực phẩm bằng với giá đất liền… Năm 2016, trung tâm phối hợp với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây sửa gần 30 lượt tàu cá của ngư dân, cung cấp trên 200 tấn dầu, 18 tấn lương thực, cấp 14.000m3 nước ngọt miễn phí cho ngư dân; khám, cấp thuốc miễn phí gần 30 lượt ngư dân; có 200 lượt tàu cá ngư dân vô ô tàu tránh bão…

Bên cạnh đó, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Trong năm, đơn vị duy trì tốt chế độ trực các cấp, quan sát, phát hiện kịp thời mục tiêu trên không, trên biển không để sót, lọt mục tiêu, báo cáo đúng quy định, xử lý các tình huống đúng đối sách. Quan tâm củng cố lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giúp đỡ ngư dân khi có tình huống xấu xảy ra. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân về việc chấp hành Luật Biển; đặc biệt sẽ hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân không may bị bệnh, máy bị hỏng để họ yên tâm bám biển”, thiếu tá Tiếp nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>