Thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú: Tạo nhiều thuận lợi cho người dân

31/12/2020 | 08:18 GMT+7

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh (KCB) BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, xoay quanh vấn đề này phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (ảnh), Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang:

Thưa bà, theo quy định mới, người bệnh sẽ được hưởng những quyền lợi như thế nào khi áp dụng thông tuyến ?

- Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến (không có giấy chuyển tuyến hoặc không trong tình trạng cấp cứu) tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đi KCB đúng tuyến.

Với những trường hợp đi KCB tuyến tỉnh trái tuyến thì quyền lợi được hưởng cụ thể như thế nào, thưa bà ?

- Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến và được chỉ định điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trước ngày 1-1-2021, ra viện từ ngày 1-1-2021 trở đi, có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, các chi phí KCB BHYT phát sinh từ ngày 1-1-2021 được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.

Tùy từng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo Luật BHYT quy định, người bệnh được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với các mức 100%, 95% hoặc 80% cho các trường hợp điều trị nội trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh. Trường hợp người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh sau: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang.

Thưa bà, theo quy định mới này, nếu người dân có thẻ BHYT ở Hậu Giang khi tự đi điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến Trung ương có được BHYT thanh toán chi phí KCB hay không ?

- Xin lưu ý, quy định thông tuyến tỉnh được áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước, không áp dụng các bệnh viện tuyến trung ương. Khi KCB trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng, khám ngoại trú người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

“Đối với trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh theo khoản 6 Điều 22 Luật BHYT là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh lưu ý.

 

Xin cảm ơn bà !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>