Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

26/04/2018 | 10:48 GMT+7

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người lao động tự do, bởi họ được tham gia, hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Tuy nhiên, số lượng người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (ảnh), Phó Giám đốc BHXH tỉnh xoay quanh vấn đề này. Bà Xuân chia sẻ:

- “Đối với BHXH tự nguyện, tỷ lệ người tham gia vẫn còn thấp. Có thể nói hầu hết số người tham gia hiện nay đều là người đã có quá trình đóng BHXH bắt buộc, nay đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu”...

Thưa bà, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh thời gian qua ?

- Tính đến ngày 31-3, toàn tỉnh có 818 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 72,8% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên, số lượng này còn khiêm tốn so với tiềm năng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Hậu Giang.

Vậy vì sao loại hình bảo hiểm này chưa thực sự hấp dẫn nhiều đối tượng, thưa bà ?

- Có thể nói hầu hết số người tham gia BHXH hiện nay đều là người đã có quá trình đóng BHXH bắt buộc, nay đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như khi ban hành chính sách, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn nên chúng ta chưa đủ tiềm lực để tạo được cơ chế, khuyến khích người dân tham gia.

Bắt đầu từ năm 2018, Nhà nước mới thực hiện chính sách hỗ trợ, nhưng mức hỗ trợ chưa đủ mạnh để thu hút người dân. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân còn thấp, chưa ổn định nên chưa có tích lũy để đóng BHXH trong khi điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu khá dài (20 năm), khiến một bộ phận người dân phân vân. BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ như hưu trí, tử tuất và chưa có các chế độ khác như ốm đau, thai sản... nên người tham gia chưa thấy được quyền lợi khi tham gia loại hình BHXH tự nguyện này, do đó chưa thu hút được người lao động. Ngoài ra, một số người chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện thấp.

Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới, BHXH tỉnh đã đề ra những giải pháp trọng tâm nào, thưa bà ?

- Theo tôi, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu, tham gia BHXH tự nguyện. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi ấp đều có nhân viên đại lý thu hoặc điểm thu BHXH tự nguyện. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho người dân, người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo

Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Cụ thể nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, Luật BHXH năm 2006 quy định trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện đến đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ (trừ trường hợp có từ đủ 15 năm đóng BHXH thì được tiếp tục đóng đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu). Về phương thức đóng, Luật BHXH 2014 đã bổ sung, linh hoạt các phương thức đóng (ngoài phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần) như đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Về mức đóng, Luật BHXH năm 2006 quy định mức thu nhập lưa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và từ tháng 5-2013 là mức lương cơ sở. Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 đã hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng. Thời điểm đóng cũng nới rộng khoảng thời gian đóng tiền kể từ ngày đăng ký tham gia hoặc từ ngày thực hiện xong phương thức đóng trước đến thời điểm người tham gia đóng tiền.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1-1-2018, Nhà nước triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng khác.

 

Xin cảm ơn bà !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>