Tấm thẻ nhân văn

30/10/2020 | 08:27 GMT+7

Không may đau ốm, bệnh tật hoặc cần phải phẫu thuật, người dân sẽ tốn kém chi phí rất nhiều, nhất là với những người thu nhập thấp thì lại càng khó khăn hơn. Những lúc ấy, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lại càng thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc...

Nhờ tham gia BHYT, bà Hồng (bên trái) được Quỹ BHYT chi trả mỗi lần khám, chữa bệnh.

Khi vào viện, mới hiểu hết giá trị thẻ BHYT

“Lần rồi tôi bị bệnh vào bệnh viện, tốn hết 7, 8 triệu đồng. Sau lần đó, con trai tôi liền mua BHYT cho tôi”, ông Dương Văn Tâm, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, bộc bạch. Năm nay, ông Tâm đã gần 70 tuổi, ông bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Mấy tháng trước, do ảnh hưởng của bệnh, ông đã vào Trung tâm Y tế huyện để khám, điều trị. Sau thời gian nhập viện, gia đình tốn 7-8 triệu đồng chi phí thuốc men, giường bệnh, bởi ông không có thẻ BHYT. Ông Tâm chia sẻ: “Người ta có thẻ BHYT được chi trả, tốn ít lắm. Còn tôi không có nên tốn tiền nhiều quá trong khi kinh tế gia đình cũng chẳng dư dả. Quả thật, có nằm viện, có điều trị bệnh, mọi người mới thấy hết giá trị của tấm thẻ BHYT”.

Sau lần nhập viện ấy, ông đã tích cực tham gia BHYT và không để gián đoạn. Trò chuyện cùng mọi người, ông Tâm cho biết: “Bây giờ giá giường bệnh, rồi tiền thuốc tăng cao quá, nếu chẳng may mắc bệnh mà không có BHYT tốn tiền triệu là bình thường, còn như phải phẫu thuật chắc tốn vài chục triệu đồng. Cuộc sống đâu ai biết lúc nào mình bệnh đâu, nên tham gia BHYT để phòng thân”.

Còn ông Nguyễn Anh Kiệt, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cũng tốn tiền triệu khi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Theo ông Kiệt, cách đây mấy tháng, ông bị bệnh, đau nhức, co giật nên vào Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A để khám, chữa bệnh. Sau 4 ngày nhập viện, gia đình tiêu tốn hơn 1 triệu đồng. “Không có ruộng nương, nghề nghiệp ổn định, vợ chồng tôi gắn bó với nghề bán vé số nhiều năm nay. Bán ngày nào cũng chỉ đủ lo miếng cơm manh áo ngày nấy, đâu có dư bao nhiêu mà dành dụm. Vì vậy, số tiền nằm viện hơn 1 triệu đồng, gia đình cũng phải mượn anh em”, ông Kiệt cho biết.

Sau khi ông xuất viện, dẫu cuộc sống khó khăn, túng thiếu, nhưng gia đình cũng quyết định mua BHYT, để tránh trường hợp tương tự xảy ra. Theo ông Kiệt, BHYT có rất nhiều cái lợi, nhất là khi điều trị dài ngày hoặc phải phẫu thuật sẽ được quỹ BHYT chi trả. “Tham gia BHYT là cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, đồng thời, giảm được gánh nặng tài chính nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật”, ông Kiệt bày tỏ.

Chia sẻ rủi ro, hoạn nạn

Tấm thẻ BHYT khi mua chỉ tốn vài trăm nghìn đồng nhưng giá trị của nó có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Tham gia BHYT nhiều năm nay, hơn ai hết bà Ngô Thị Thu Hồng, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, hiểu rõ giá trị của tấm thẻ nhân văn này.

Bà Hồng bị bệnh tai biến cách đây hơn một năm, mỗi tháng bà phải đến bệnh viện để khám và lấy thuốc. Bình quân mỗi lần như vậy, gia đình chỉ tốn trên 50.000 đồng trong tổng số tiền gần 500.000 đồng. “Nếu một lần lấy thuốc tốn bao nhiêu tiền đó thì không nhiều, nhưng lâu ngày dài tháng thì đó là số tiền không nhỏ, nhất là với người dân vùng nông thôn chúng tôi. Qua đó, càng thấy rõ ý nghĩa của tấm thẻ nhân văn này”, bà Hồng bộc bạch.

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.

Mặc dù thời gian qua, công tác truyền thông về chính sách BHYT đã được đẩy mạnh, hình thức và nội dung tuyên truyền cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân, nhận thức của phần lớn người dân về chính sách BHYT đã được nâng lên nhưng vẫn còn một số người dân chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở địa phương theo kế hoạch, BHXH tỉnh đã, đang và tiếp tục thực hiện các giải pháp, trong đó chú trọng mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình.

Ngoài tuyên truyền, còn thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay

 

Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có 636.232 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 86,8%. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo nhiều hình thức, ngành BHXH còn phát triển mạng lưới đại lý thu ở khắp các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, phối hợp các ngành thực hiện nhiều mô hình, cách làm, góp phần thu hút người dân tham gia chính sách nhân văn này…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>