Thực hiện Nghị định 100 ở nông thôn

07/05/2020 | 07:32 GMT+7

Trước đây, hình ảnh người dân ở nông thôn điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn thường xuyên xảy ra, nhưng từ khi Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) có hiệu lực thì giảm hẳn.

Tuyên truyền Nghị định 100 đến người dân ở xã Vị Trung.

Bởi theo nhiều người, nếu bị cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn khi lái xe thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, chưa kể là còn bị tước giấy phép lái xe, ảnh hưởng việc lưu thông. Nên nhiều người quyết tâm “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Khi Nghị định 100 chưa được ban hành, thỉnh thoảng ông Võ Văn Sô, ở ấp 10, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, lái xe trong tình trạng say rượu, bia. Theo ông, lúc đó luật đã cấm lái xe khi trong người có nồng độ cồn, nhưng mức phạt khá nhẹ, cảnh sát giao thông ít tuần tra, kiểm soát ở nông thôn nên dễ... né.

Khi Nghị định 100 có hiệu lực, ông Sô thay đổi hẳn. Xác định hôm nào sẽ uống rượu, bia ở xa thì ông nhờ người thân chở hay đi xe ôm, còn gần thì đi bộ. “Luật quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” là muốn tốt cho bản thân và cộng đồng, do đó tôi thực hiện nghiêm. Không chỉ bản thân chấp hành quy định, tôi còn thường xuyên giáo dục con cháu thực hiện đúng”, ông Sô nói.

Còn anh Nguyễn Văn Ngoan, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, nhất là khi Nghị định 100 có hiệu lực. Khi tham gia giao thông dù đường xa hay gần anh đều đội nón bảo hiểm; không bao giờ chở quá số người quy định; nói không với rượu, bia khi lái xe. “Luật quy định thì mình phải chấp hành nghiêm, nếu né được vài lần sẽ tạo thành thói quen thì sớm hay muộn cũng bị cảnh sát giao thông phát hiện và xử phạt. Vậy tốt nhất mình chấp hành nghiêm những gì luật ban hành”, anh Ngoan cho biết thêm.

Theo công an các địa phương, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đã tạo chuyển biến tích cực về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có khu vực nông thôn. Minh chứng, đầu năm đến nay tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông ở các địa phương đều giảm. Đặc biệt, lỗi vi phạm do ý thức của người tham gia giao thông như không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định, lái xe quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn… không còn phổ biến như trước.

Trung tá Võ Quốc Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Long Mỹ, thông tin: “Chế tài nặng khiến người tham gia giao thông bắt buộc phải điều chỉnh hành vi của mình. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp vi phạm các lỗi bị xử lý đều giảm. Riêng vi phạm nồng độ cồn, dù thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng đầu năm đến nay chúng tôi mới phát hiện, xử lý khoảng 20 trường hợp”.

Tuy chuyển biến nhưng tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó về nồng độ cồn tại nông thôn vẫn còn. Nhiều người cho rằng, khu vực nông thôn đường vắng, cảnh sát giao thông ít tuần tra, kiểm soát nên có thể lái xe khi trong người có nồng độ cồn. 

Từng bị xử phạt gần chục triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn, nhưng anh T., ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, vẫn chưa thể từ bỏ thói quen lái xe sau khi đã uống rượu, bia. “Rất khó để không uống rượu, bia khi gia đình có công việc hay lâu lâu gặp bạn bè”, anh T. nói.

Theo tìm hiểu, sở dĩ khu vực nông thôn vẫn còn người lái xe khi trong người có nồng độ cồn là do lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương khá mỏng, rất khó tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Nhiều người vẫn còn tâm lý đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông khi đã uống rượu, bia thay vì chấp hành nghiêm quy định. 

Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những tuyến đường nông thôn để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 ở địa bàn nông thôn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân khi tham giao giao thông. Hơn hết cần làm cho mọi người hiểu rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của chính mình chứ không phải đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>