Thanh thiếu niên với văn hóa giao thông

14/02/2017 | 09:11 GMT+7

Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên chấp hành Luật Giao thông đường bộ được Ban Thường vụ Thị đoàn Ngã Bảy tập trung đẩy mạnh với nhiều cách làm mang tính đột phá.

Mô hình “Giao thông và nụ cười” của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đang mang lại nhiều hiệu quả.

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ở phường Hiệp Thành, là một trong những trường thực hiện khá tốt việc tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong thời gian qua, nổi bật là mô hình “Giao thông và nụ cười”.

Đến trường vào một buổi sáng cuối tuần cũng là lúc một số học sinh dán bức tranh trên tường được các em vẽ về chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) để học sinh trường biết thực hiện. Theo thầy Nguyễn Vũ Duy Khoa, đây là hoạt động đầu tiên của trường về ATGT trong năm 2017 và cũng nằm trong chuỗi hoạt động của mô hình “Giao thông và nụ cười”. Trước đó, trường dán các biển bảng chỉ dẫn khi tham gia giao thông ở các lớp học và một số thân cây xung quanh trường…

Mô hình này được thành lập vào năm học 2013-2014. Sở dĩ được thành lập là vì trường nằm cạnh Quốc lộ 1A, nơi có lượng phương tiện xe tham gia giao thông khá nhiều. Hàng năm, một số em học sinh bị va quẹt khi đến trường hay từ trường về nhà; học sinh đi không đúng phần đường; phụ huynh đưa rước con em chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ…

Khi thành lập mô hình, trường kẻ vạch, lối đi mang tên “Em đi đúng vạch kẻ đường, lối đi dành cho người đi bộ” ở sân trường để tạo thói quen cho học sinh đi đúng làn đường, phần đường và ra về có nề nếp. Trường còn thiết kế một số trò chơi như: đèn giao thông, địa lý Việt Nam, tôi là ai, từ đó giúp các em rèn luyện kỹ năng nhớ nội dung, ý nghĩa của từng biển báo giao thông. Trường còn vận động phụ huynh ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi đưa rước con em. “Một cách làm nữa của mô hình là treo tranh vẽ, biểu ngữ, khẩu lệnh về ATGT; thành lập tổ tình nguyện ATGT để nhắc nhở các em học sinh chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ khi ra về và phân công giáo viên phụ trách chịu trách nhiệm với hoạt động của tổ”, thầy Khoa cho biết.

Qua hơn 3 năm hoạt động, mô hình “Giao thông và nụ cười” đã tuyên truyền sâu rộng trong học sinh, tập thể giáo viên, phụ huynh học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Trước đây, phụ huynh đưa rước con em chưa được trật tự, đậu xe gây cản trở giao thông, học sinh đến trường và ra về vẫn xảy ra tình trạng mất trật tự, thì nay phụ huynh đến đưa rước con em rất nề nếp, đậu xe đúng vị trí và trang bị nón bảo hiểm cho các em. Học sinh cũng ý thức không đi xe đạp không đúng quy định với độ tuổi, trên đường về nhà và từ nhà đến trường đi đúng luật, không đùa giỡn…

Em Huỳnh Như, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: “Hàng ngày, em đi học được mẹ đưa rước bằng xe gắn máy. Khi lên xe đều đội nón bảo hiểm, nếu hôm nào mẹ quên mang theo là em không đi, vì như thế là không chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và khá nguy hiểm”.

Cô Trần Thị Thu Nguyệt, Hiệu trường Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: “Cũng nhờ thực hiện mô hình nên việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của giáo viên và học sinh được nâng lên. Hơn 3 năm qua, trường không có giáo viên, học sinh nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ củng cố, nâng chất mô hình này để chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả”.

Theo anh Trần Hoàng Hiệp, Bí thư Thị đoàn Ngã Bảy, để thanh thiếu niên chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, trong năm 2017, chúng tôi sẽ củng cố, nâng chất 100% mô hình “Cổng trường ATGT sáng - xanh - sạch - đẹp”; ký kết liên tịch với các ngành chức năng của thị xã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền. Đối với 2 trường trung học phổ thông trên địa bàn có thành lập 2 đội xung kích tình nguyện trật tự ATGT.

Song song với các hoạt động trên, Thị đoàn Ngã Bảy còn chỉ đạo Phường đoàn Hiệp Thành thành lập mô hình “Thanh niên tình nguyện ứng cứu tai nạn giao thông”; phối hợp với Công an thị xã Ngã Bảy tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa ở các trường THCS, THPT trên địa bàn; tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ ở bậc tiểu học… “Để hoạt động đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục khó khăn, vướng mắc nếu gặp phải, sao cho việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và đường thủy nội địa của thanh thiếu niên tiếp tục chuyển biến”, anh Hiệp cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>