Sức bật từ đầu tư cơ sở hạ tầng

07/05/2018 | 07:56 GMT+7

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng ở Hậu Giang được đầu tư ngày càng hoàn thiện đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Trong điều kiện kinh phí hạn chế, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được các địa phương phân bổ khá hợp lý. Trong đó, có tập trung thực hiện các dự án phát triển hạ tầng phục vụ đời sống người dân và ưu tiên đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới. Theo các chủ đầu tư, nhân dịp lễ lớn 30-4 và 1-5, một số công trình cũng được đưa vào danh mục chào mừng để phấn đấu thực hiện. Nhưng tuân thủ theo sự chỉ đạo của Trung ương thì các chủ đầu tư chỉ hoàn thiện thủ tục, tổ chức thi công theo quy định, không có lễ khởi công, khánh thành để tiết kiệm chi phí. Đối với các công trình đang được triển khai, tỉnh cũng chủ trương chỉ đạo đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng tăng cường đôn đốc thực hiện theo tiến độ đề ra.

Huyện Châu Thành A tranh thủ nguồn vốn để đầu tư tuyến đê bao giao thông nông thôn kênh Bốn Ngàn ấp 3B - 5B được người dân hưởng ứng cao.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Thủy, những ngày cuối tháng 4, đơn vị đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị thực hiện 2 dự án là Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 7 và Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 9, ở xã Vị Trung. Ông Mai Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Thủy, thông tin: “Hiện các dự án đã đủ điều kiện để tổ chức thi công vì công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất. Vị Trung là xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nên huyện tập trung đầu tư các công trình văn hóa. Trong đó, có công trình Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 7 và công trình Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 9 đăng ký trong danh mục công trình chào mừng các ngày lễ lớn. Trong năm nay, các thiết chế văn hóa của Vị Trung sẽ cơ bản hoàn chỉnh”.

Tương tự, tại địa bàn huyện Châu Thành A, có 2 công trình là Trường Mầm non Vàng Anh (giai đoạn 2) và Trường Mẫu giáo Trường Long Tây cũng được triển khai thực hiện. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành A Tống Tấn Linh cho biết: Sau khi đăng ký danh sách công trình, Ban Quản lý dự án huyện đã tranh thủ thực hiện các bước về thủ tục, đôn đốc đơn vị tư vấn, phối hợp các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các ngôi trường được đầu tư lần này theo tiêu chí nông thôn mới và đúng chuẩn.

Ngoài ra, huyện đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư thêm tuyến đê bao giao thông nông thôn kênh Bốn Ngàn ở ấp 3B - 5B, xã Tân Hòa. Những ngày này, đơn vị thi công đang cho gia cố lề, bơm cát làm nền hạ, lên đá cấp phối. Trong khi xáng cuốc đang gia cố lề thì người dân cũng hưởng ứng bằng cách dọn vệ sinh, đốn cây để giúp thi công công trình nhanh chóng, dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp 3B, xã Tân Hòa, phấn khởi cho biết: “Mới mấy tháng trước, nơi đây còn là con đường nhỏ khoảng 2m ngang đã xuống cấp. Rồi khi làm đường, bà con cả tuyến đều vui mừng. Gia đình tôi chủ động đốn hạ cây, dọn dẹp giúp xáng cuốc gia cố lề cho chắc chắn. Người dân mình phụ một tay sẽ giúp công trình thi công nhanh hơn. Nghe nói công trình sẽ sớm hoàn thành để phục vụ việc đi lại được dễ dàng”.

Bên cạnh công trình mới triển khai thi công, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành theo yêu cầu. Trong những năm gần đây, ngoài các dự án đầu tư cho nông thôn mới, phục vụ đời sống dân sinh, Hậu Giang còn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ tạo tiền đề vững chắc thu hút, mời gọi đầu tư vào tỉnh.

“Ngoài ra, Hậu Giang còn có tuyến sông Hậu đi qua phục vụ cho việc vận chuyển hàng hải với tàu tải trọng lên đến 20.000 tấn; 4 tuyến sông do Trung ương quản lý đáp ứng tải trọng 1.000-2.000 tấn; cùng với mạng lưới kênh, sông, rạch tự nhiên đáp ứng tàu có tải trọng 500-1.000 tấn. Gần đây, chúng tôi đã quan tâm hơn đối với các tuyến đường tỉnh kết nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp và kể cả Đường tỉnh 930 đi về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhìn chung, Hậu Giang còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhưng đối với những trục đường chính đã cơ bản đáp ứng yêu cầu tạo sự kết nối với các tỉnh bạn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang… Về phía ngành giao thông cũng đang kêu gọi đầu tư mạng lưới công nghệ thông tin về Logistics để phát triển mạnh về đường thủy”, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Mạng lưới đường giao thông ở Hậu Giang hiện có 6 tuyến quốc lộ đi qua là: Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Nam Sông Hậu và Quản lộ Phụng Hiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và kết nối giao thương thuận lợi và sẽ là lợi thế để tỉnh trở thành một vùng đất đầy tiềm năng cho nhà đầu tư.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>