Nhiều mô hình vì trẻ em

22/11/2018 | 07:56 GMT+7

Thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp, cách làm hay trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) hoặc hỗ trợ trẻ em tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mình.

Học sinh Trường Tiểu học Him Lam, phường IV, thành phố Vị Thanh, tham gia lái xe an toàn.

Theo Ban ATGT tỉnh, hiện có trên 95% học sinh từ lớp 1 trở lên đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy lưu thông trên đường. Đồng thời, việc thực hiện các quy định khác về trật tự ATGT đã nâng lên đáng kể. “Con số ấy khá cao so với vài năm trước đây. Bởi nhiều trường học đã thành lập mô hình ATGT và quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông có hiệu lực từ năm 2016”, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, nói:

Từ trường học

Ai có dịp đến Trường Tiểu học Tân Long 1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy sân trường gắn nhiều biển báo, vạch kẻ, đèn tín hiệu giao thông (mô phỏng)… trông rất bắt mắt. Đó là mô hình “Giáo dục ATGT” cho học sinh của trường.

Trường nằm cạnh Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 925B nên phương tiện giao thông qua lại rất lớn. Bằng chứng là những năm trước, học sinh của trường thỉnh thoảng bị tai nạn hoặc va chạm giao thông. “Qua tiếp xúc những hình ảnh mô phỏng đó hàng ngày sẽ giúp các em có ý thức chấp hành tốt quy định khi tham gia giao thông”, cô Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, cho biết.

Các biển báo, đèn tín hiệu giao thông… mô phỏng trước sân trường còn giúp giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho các em trong tiết học liên quan đến kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Mặt khác, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào giờ sinh hoạt dưới cờ hay sinh hoạt lớp.

Chưa kể, vào đầu mỗi năm học, trường còn yêu cầu phụ huynh ký cam kết đội nón bảo hiểm cho các em khi đến trường bằng xe mô tô, xe gắn máy.

Hàng ngày, em Lê Thị Phương Thảo, học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Tân Long 1, được mẹ đưa đến trường. Mỗi khi lên xe gắn máy em chủ động đội nón bảo hiểm. Nhiều khi có việc gấp, mẹ quên lấy nón là em nhắc. “Em làm như thế để bảo vệ cái đầu nếu chẳng may bị tai nạn giao thông”, em Thảo giải thích.

Học sinh của trường hiện đã hiểu rõ tác dụng các biển báo, vạch kẻ đường, từ đó nâng cao ý thức chấp hành tốt luật khi tham gia giao thông. Ba năm qua, trường không có học sinh bị tai nạn hay va chạm giao thông. Đặc biệt, trong các cuộc thi về giao thông cấp huyện, tỉnh, trường đều đạt thứ hạng cao.

Những ngày qua, Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tích cực hưởng ứng Ngày “Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2018 thông qua các hoạt động thiết thực như tuyên truyền, treo băng rôn và dành 1 phút mặc niệm tại buổi sinh hoạt dưới cờ.

“Chúng tôi làm như thế đã ba năm qua, đồng thời vận động giáo viên, phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có người thân bị tai nạn giao thông gặp khó khăn. Từ đó, góp phần giáo dục các em ý thức hơn trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, cô Phạm Thị Cẩm Dân, Tổng phụ trách Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, thông tin.

Ở trường học thời gian qua còn có hoạt động nổi bật như xây dựng góc ATGT ở mỗi lớp học; tổ chức cuộc thi về ATGT trong trường; phối hợp với cảnh sát giao thông tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn đều có mô hình ATGT và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật như mô hình: “Giáo dục ATGT”, “Đội thanh niên xung kích vì ATGT”, “Cổng trường ATGT”…

Quan trọng là các mô hình đó đều sát hợp và tác động lớn đến nhận thức của học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Qua đó, hình ảnh học sinh đầu trần ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông giảm hẳn.

Ngoài ra, tình trạng học sinh chạy xe đạp hàng 2, hàng 3, đùa giỡn cũng giảm so trước đây, vì các em hiểu như thế là vi phạm trật tự ATGT. “Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Do đó, việc chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông là điều tốt mà chúng em cần phải làm”, em Cao Tường Vy, học sinh Trường Tiểu học Tân Long 1, nói.    

Mô hình “Giáo dục ATGT” được nhiều trường tiểu học triển khai thực hiện.

Đến xã hội

Mô hình “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, được thành lập vào năm 2015, đã và đang mang lại nhiều hiệu quả.

Theo anh Nguyễn Văn Bình, Bí thư Thị đoàn thị trấn Một Ngàn, sở dĩ đơn vị thành lập mô hình vì trước đây có một học sinh chết do đuối nước, vả lại, địa phương có nhiều kênh, rạch nên tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị đuối nước cao.

Khi phát động thành lập mô hình, người dân ở đây rất phấn khởi, nhiều người tự nguyện hiến cây để làm hàng rào, bố trí nơi tập bơi trên phần đất của mình. Hàng tuần, Đoàn thanh niên thị trấn phối hợp với cán bộ cơ sở vận động, tuyên truyền các gia đình về phòng, chống đuối nước và tổ chức tập bơi cho các em.

“Hiện trên địa bàn thị trấn có 2 điểm tập bơi vào hầu hết các buổi trong tuần. Từ khi thành lập đến nay, đã giúp khoảng 350 em biết bơi, không còn tình trạng trẻ em bị đuối nước”, anh Bình nhấn mạnh.

Tuy sống ở vùng sông nước, nhưng khoảng 3 năm trước, em Dương Hoàng Khanh chưa hề biết bơi nên em rất sợ mỗi khi qua đò. Khi mô hình hoạt động, Khanh tham gia. Tuần nào em cũng tập bơi cùng các bạn trong ấp và hiện không chỉ biết bơi mà em còn dạy lại cho bạn mới. Khanh cho biết: “Giờ đây, mỗi khi xuống xuồng, ghe hay qua đò em cảm thấy tự tin hơn, không còn lo lắng như trước nữa”.

Mô hình không chỉ giúp nhiều em biết bơi mà hiệu ứng của nó còn thu hút đông đảo phụ huynh cùng tham gia góp phần phòng, chống đuối nước ở trẻ, đảm bảo an toàn cho quá trình lưu thông đường thủy.

Ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng: “Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét nhân rộng các mô hình trên; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn giao thông đường thủy, đường bộ để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>